Tương tự, nhiều ngân hàng khác như BIDV, Agribank, SHB, ACB, BVBank, NamABank, HDBank… từ đầu năm đến nay cũng đưa ra rất nhiều gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Chẳng hạn, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng của HDBank áp dụng lãi suất 0% trong tháng đầu tiên, sau đó áp dụng lãi suất từ 6,7%/năm trong các tháng tiếp theo. LPBank có gói tín dụng tiêu dùng áp dụng hạn mức vay tối đa 2 tỷ đồng/khách hàng, lãi suất 6,5%/năm. Agribank đang đẩy mạnh gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất của ngân hàng này ít nhất là 1,5%…
Theo các NHTM so với cùng kỳ năm ngoái, đầu năm 2024 nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân chậm lại. Trong khi các đơn vị kinh doanh của hệ thống ngân hàng đều chủ động đẩy mạnh cho vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng các khách hàng.
Bên cạnh các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng, hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại địa phương cũng được chắp nối ngay từ những ngày đầu năm. Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, hệ thống tổ chức tín dụng ở tỉnh Đồng Tháp nỗ lực kết nối với doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Sa Đéc và sẽ phối hợp với các sở, ngành hữu quan để tháo gỡ các khó khăn nằm trong phạm vi của ngân hàng, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tăng hạn mức và cho vay thuận tiện hơn ngay trong quý I/2024.
Tương tự, ông Hồ La Thành, Giám đốc NHNN chi nhánh Hậu Giang cũng cho hay, đầu tháng 2/2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tổ chức hội nghị kết nối với gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tại hội nghị này, ngoài các hợp đồng tín dụng được ký trực tiếp giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, ngân hàng cũng đã cam kết sẽ tăng hạn mức cho các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hậu Giang.
Trước đó, HDBank đã tổ chức kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu vốn, ngân hàng sẽ nâng hạn mức cho vay trong năm nay lên 200-500 tỷ đồng. Cần Thơ cũng đề nghị HDBank nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm vay dành cho các doanh nghiệp ngành sầu riêng, phục vụ khoảng 3.800 hecta cây trồng này tại địa phương đã được cấp mã số vùng trồng.
Từ những diễn biến trên, có thể thấy ngân hàng đã bắt nhịp theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam ngay từ đầu năm nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng hiệu quả đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
2024 - cơ hội và thách thức đan xen
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cho biết, thách thức lớn nhất là những lo ngại chất lượng tài sản suy giảm, nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng sẽ dâng cao trong nửa đầu 2024. Những diễn biến không thuận lợi của kinh tế vĩ mô đã bào mòn khá nhanh sức khỏe của nền kinh tế, doanh nghiệp và tiêu dùng trong nước. Các giải pháp ứng phó linh hoạt được Chính phủ, NHNN chỉ đạo và triển khai tại các NHTM đã hỗ trợ nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp và dân cư cũng như bản thân các tổ chức tín dụng ứng phó với những diễn biến kinh tế tiêu cực trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên thực tế là sức cầu yếu kéo dài trên các thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường bất động sản, khả năng phục hồi chưa nhanh nên có thể tiếp tục gây áp lực lớn lên chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng ngay từ nửa đầu 2024.
Thách thức thứ hai là sự bất ổn địa chính trị, kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu và hoạt động kinh tế trong nước, qua đó tác động tiêu cực đến hệ thống tổ chức tín dụng. Phần nào của bức tranh cũng đã hiện rõ trong cuối 2023 khi mặt bằng lãi suất rất thấp nhưng tín dụng vẫn tăng chậm so với mục tiêu.
Thứ ba là thách thức đối với NHNN trong việc tìm điểm cân bằng chính sách giữa các áp lực phải giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời phải kiểm soát lạm phát. Mặt khác NHNN cũng phải chịu áp lực kiểm soát tỷ giá trong bối cảnh lãi suất một số đồng tiền mạnh chưa hạ nhanh để hạn chế việc dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài. Những áp lực này đã xuất hiện từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên giai đoạn 2023 - 2024 thì yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế lớn hơn do tăng trưởng kinh tế không đạt ky vọng, cầu tín dụng yếu và thị trường bất động sản không có thanh khoản tốt.
Bên cạnh những thách thức và khó khăn, ngành Ngân hàng cũng đứng trước những cơ hội trong năm 2024. Thứ nhất là nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực. Mặc dù 2023 là năm khó khăn, tăng trưởng chậm và có những cơn gió mạnh, tuy nhiên nền kinh tế có thể phục phồi tích cực hơn trong 2024 với GDP có thể trên 6%. Như vậy nhu cầu tín dụng có thể được cải thiện, bức tranh hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng sẽ tốt hơn. Thứ hai là các chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm kích thích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy tín dụng, duy trì lãi suất thấp, thúc đẩy đầu tư phát triển một số lĩnh vực, sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.