Phiên giao dịch ngày 23/2/2024, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan đóng cửa ở mức giá 66.700 đồng/cp, giảm 2,1% so với giá đóng cửa phiên hôm qua. Vốn hóa thị trường ở mức 95.437 tỷ đồng.
Từ tháng 8/2023 đến cuối tháng 10/2023, cổ phiếu MSN đã vào giai đoạn giảm mạnh, giá cổ phiếu rơi từ 88.000 đồng/cp xuống khoảng 56.000 đồng/cp. Sau này, cổ phiếu MSN đã tăng trở lại nhưng chưa thể bứt phá khỏi mốc 70.000 đồng/cp. Trong khoảng từ tháng 12/2023 đến nay, giá cổ phiếu MSN có biến động xung quanh khoảng 60.000 - 70.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, mỗi lần cổ phiếu MSN gần chạm đến mức 100.000 tỷ đồng vốn hóa, giá cổ phiếu MSN lại quay đầu giảm. Lần gần nhất suýt chạm mốc 100.000 tỷ đồng vốn hóa của MSN là ngày 21/1/2024. Ở mức giá cao nhất trong phiên giao dịch hôm đó, vốn hóa MSN đã đạt 99.730 tỷ đồng.
Trong khi đó, "người bạn thân" của Masan là Techcombank (TCB) lại đón nhận đà tăng tích cực khi giá cổ phiếu TCB đã tăng 46% từ tháng 11/2023 đến nay. Kết thúc phiên 23/2, cổ phiếu TCB có giá 40.100 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt hơn 141.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Cùng nhau khởi nghiệp ở Đông Âu rồi về nước phát triển sự nghiệp kinh doanh lên tầm cao mới, bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đã gây dựng nên Masan và Techcombank trở thành 2 doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Hai doanh nghiệp có nhiều mối liên quan khi cả ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đều sở hữu cổ phần tại TCB và MSN. Masan còn đang là cổ đông lớn nhất của Techcombank khi sở hữu hơn 524 triệu cổ phiếu TCB, tỷ lệ sở hữu 14,88%. Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2023, lợi nhuận sau thuế của Techcombank tăng 25% đạt 4.482 tỷ trong khi lợi nhuận sau thuế của Masan giảm 36% còn 517 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt 18.191 tỷ, giảm 11% còn lợi nhuận sau thuế của Masan đạt 1.870 tỷ, giảm 61%.