Ngày 23/3, UBND TP.Hà Nội có văn bản thông báo kết luận cuộc ngày 17/3 của UBND thành phố với đại diện Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội và các Bộ: Văn hóa, Thể thao và du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng về xem xét thống nhất phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 thuộc dự án tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Vị trí ga ngầm C9 sẽ được đề xuất dịch chuyển so với phương án ban đầu
Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Hà Nội thống nhất đề xuất theo phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1) báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định và đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) có trách nhiệm phối hợp cùng đơn vị tư vấn chung của dự án khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mặt bằng ga C9, báo cáo thành phố trước 30/3/2022.
Theo phương án 1, ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15m, sâu 31m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3m.
Điểm đầu nhà C9 cách Tháp Bút khoảng 97m và hình chiếu cách Tháp Bút khoảng 30m. Nhà ga được thiết kế thành 4 tầng, sảnh chờ, hệ thống bán vé ở tầng 1; tầng 2 và 4 phục vụ đón trả khách; tầng 3 chứa thiết bị. Lối lên xuống ga không nằm trong vùng bảo vệ II của di tích danh thắng Hồ Hoàn Kiếm.
Theo MRB, phương án này được đánh giá ít tác động đến khu vực di tích được bảo vệ, song sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tăng diện tích giải phóng mặt bằng, đội chi phí. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 (giữ nguyên như ban đầu) hơn 440 tỷ đồng. Ga xếp chồng 4 tầng nên có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng.
Dự án tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được nghiên cứu từ năm 2004 và phê duyệt năm 2008, với chiều dài thiết kế 11,5km (2,6km đi trên cao và gần 9km ngầm), với 3 ga trên cao và 7 ga đi ngầm. Từ năm 2018, đề xuất về vị trí xây dựng ga ngầm C9 gây ra nhiều dư luận trái chiều do vi phạm Luật Di sản, ảnh hưởng đến cụm công trình di tích hồ Hoàn Kiếm gồm: tượng đài Cảm Tử, đền Bà Kiệu, đền Tháp Bút, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội lấy ý kiến các bộ, ngành về 3 phương án thiết kế, vị trí xây dựng ga ngầm C9 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong 3 phương án được lấy ý kiến, MRB đề xuất cân nhắc lựa chọn phương án 2 (ban đầu) và phương án 3 (bỏ ga C9) nhằm tránh các thủ tục bổ sung phức tạp và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
3 phương án đề xuất ga C9 được Hà Nội lấy ý kiến các bộ, ngành: Phương án 1: ga C9 được đưa ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ UBND TP.Hà Nội (tăng chi phí hơn 440 tỷ đồng ). Phương án 2: giữ nguyên như ban đầu (nằm dưới vườn hoa Bờ hồ Hoàn Hoàn Kiếm, một cửa lên xuống nằm trong vùng bảo vệ II của khu di tích hồ Hoàn Kiếm) và bị phản đối do vi phạm Luật Di sản. Phương án 3: bỏ ga ngầm C9 được hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đi vào vận hành ( cho phí thấp nhất trong 3 phương án), song đơn vị thiết kế không khuyến nghị tiếp tục làm ga C9 sau khi tuyến metro đi vào vận hành bởi gây nguy hiểm và vấn đề chi phí. |