Chứng khoán

Vì sao chứng khoán Mỹ chưa sập dù Fed đã quyết tâm tăng mạnh lãi suất?

Vì sao chứng khoán Mỹ chưa bị 'kết liễu' dù Fed quyết tâm tăng mạnh lãi suất? - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Bỏ qua một chút ngả nghiêng hồi đầu năm nay, thị trường chứng khoán Mỹ đang phản ứng rất bình tĩnh trước quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell.

Sự bình yên trên thị trường chứng khoán có thể khiến nhà đầu tư ngạc nhiên trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ nhảy vọt và người chơi trên thị trường tiền tệ tin tưởng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh tay. 

Hôm 21/3, ông Powell nói rõ rằng Fed sẵn sàng lãi suất 50 điểm cơ bản trong những cuộc họp chính sách sắp tới nếu cần thiết. Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất mạnh mẽ đến vậy là năm 2000.

  • Nên đầu tư gì trong thời lạm phát? Elon Musk và Warren Buffett đưa ra câu trả lời tương đồng

Ông Chris Weston, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty môi giới Pepperstone, cho hay: "Cuộc phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ là điều đáng chú ý..." dù lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng vượt quá 2% và có thể cắt đứt đà đi xuống hàng thập kỷ qua.  

"Chúng ta nên xét xem vì sao chứng khoán Mỹ lại không bị sập [khi lập trường chính sách của Fed thay đổi ngoạn mục]", ông Weston kêu gọi.

Theo vị chuyên gia của Pepperstone, có lẽ thị trường chứng khoán đang ủng hộ Fed "bắn một phát súng lớn trong cuộc họp tháng 5 và gợi ý cho nhà đầu tư về những gì sắp xảy ra". 

Họ đã cân nhắc các kịch bản và có lẽ nhận thấy rằng Fed đáng tin cậy và mạnh mẽ, đồng thời lãi suất đi lên vẫn tốt hơn là lạm phát dai dẳng.

Chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ, riêng cổ phiếu dầu khí ngược chiều - Ảnh 2.

Kết phiên giao dịch 22/3, chỉ số Nasdaq 100 tăng 1,9%, còn Nasdaq Composite đi lên 2% so với phiên trước đó. Cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ được coi là nhóm nhạy cảm nhất với việc lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng điểm, vì chúng làm giảm giá trị hiện tại của dòng tiền và lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp. 

Song, chỉ số Nasdaq đã rơi vào thị trường gấu trong tháng này từ trước, sau khi lao dốc hơn 20% kể từ mức đỉnh hồi tháng 11/2021.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã phục hồi đáng kể từ khi Fed khởi động chu kỳ tăng lãi suất vào tuần trước và báo hiệu thêm nhiều động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai. Các chỉ số chứng khoán cũng đang cao hơn mức ngay trước khi Nga tấn công Ukraine ngày 24/2.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng khoảng 255 điểm, tương ứng 0,74% trong ngày 22/3. Chỉ số S&P 500 đi lên 1,1%, ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 9/2, tờ MarketWatch cho biết.

Ông Tom Lee, nhà sáng lập Fundstrat Global Advisors lưu ý rằng chỉ số S&P 500 đã thoái lui gần 15% tính đến ngày 24/2. Theo ông, điều này có nghĩa là "rất nhiều tin xấu đã được phản ánh vào giá từ trước", và triển vọng rủi ro/lợi nhuận đã cải thiện so với đầu năm 2022.

Tuy nhiên, môi trường hiện nay không phải là nơi mà nhà đầu tư nên thử "làm anh hùng" hay "chơi lớn", vì thị trường rất có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh.

Nhà nghiên cứu Weston của Pepperstone lưu ý rằng khủng hoảng Nga - Ukraine đã thổi bùng lên nỗi lo lạm phát trong bối cảnh giá dầu thô và các hàng hóa khác tăng vọt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm