Ngày 23/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP), theo Báo Lâm Đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là một trong ba dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 210 km.
Theo đó, đối với hợp phần cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài tuyến 73,64 km, điểm đầu tại Km 126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc và điểm cuối tại Km 200, giao với đường cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km 208+650, cửa ngõ vào TP Đà Lạt.
Dự án được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2022 – 2025) sẽ xây dựng theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h.
Giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ mở rộng cao tốc theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, tốc độ khai thác 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 12.532 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 5.420 tỷ đồng do Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang đề xuất triển khai.
Trong giai đoạn 1, nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng sẽ chi 1.500 tỷ đồng cho dự án; đồng thời, đề nghị nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 2.500 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ huy động toàn bộ.
Theo chủ trương của Chính phủ, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hợp phần Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách nhà nước, còn hai hợp phần Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức PPP.
Việc đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc góp phần từng bước hoàn thiện tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt theo quy hoạch, kết nối hai địa phương; giảm tải cho quốc lộ 20 hiện hữu; đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng, giảm nguy cơ ùn tắc, tai nạn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực.