GS Duncan đang trình bày bài giảng khoa học đại chúng về Tôpô tại Trường đại học Quy Nhơn chiều 13-7 - Ảnh: LÂM THIÊN
Chiều 13-7, tại Trường đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), GS Duncan Haldane có bài giảng khoa học đại chúng chủ đề "Vật chất lượng tử Tôpô: vướng víu lượng tử và cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai" cho trên 300 bạn trẻ là sinh viên, học sinh và một số thầy cô giáo. GS Đàm Thanh Sơn - giải thưởng Dirac năm 2018, giảng dạy tại Trường đại học Chicago, Mỹ - là người chuyển ngữ ra tiếng Việt cho bài giảng.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ XVIII với chủ đề "Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện" đang diễn ra tại TP Quy Nhơn, do Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.
Cuộc cách mạng mới của lượng tử
GS Duncan nói rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ mà cơ học lượng tử đang được tái kiểm chứng về mặt lý thuyết và thực nghiệm, đồng thời được cắt nghĩa nhằm hướng đến các ứng dụng, chẳng hạn các phương pháp mới để xử lý thông tin.
"Trong khi các định luật cơ bản của vật lý lượng tử vẫn giữ nguyên xi như thời khởi thủy cách đây gần 100 năm, thì những năm gần đây đã xuất hiện nhiều điều đáng kinh ngạc về những gì vật lý lượng tử cho phép" - ông nói.
GS cho biết phát hiện của ông là hiệu ứng Hall điện tử và nhiều pha Tôpô vật chất được tìm ra trong thập kỷ vừa qua.
"Đôi khi nhìn bài toán cũ bằng con mắt mới cho ta hiểu biết mới về vật chất. Trong trường hợp này, khi tôi tìm ra những điều mới mẻ của lượng tử Tôpô, không chỉ các nhà khoa học khác mà bản thân tôi cũng rất kinh ngạc, vì nó đi ngược lại những ý tưởng trước đây đã có.
Khi tôi phát hiện ra điều này, rất nhiều nhà khoa học lớn đã lên án, nói rằng cái tôi tìm ra không thể nào đúng được, thậm chí có người còn nói là ngu xuẩn. Bài báo của tôi đưa ra cho tạp chí thì ba lần bị từ chối, bảo là điều tôi tìm ra là trái với chân lý" - GS Duncan kể.
Theo GS, hiện đã có nhiều công ty nổi tiếng sử dụng ý tưởng này để làm máy tính lượng tử, loại máy tính có thể giải quyết cùng lúc nhiều bài toán thay cho loại máy tính hiện nay chỉ giải được từng bài toán một. "Tôi không biết cái gì sẽ xuất hiện. Nhưng tôi tin rằng có những thứ mới sẽ xuất hiện ra sau cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai".
GS Đàm Thanh Sơn - huy chương Dirac 2018 - chuyển ngữ bài giảng của GS Duncan sang tiếng Việt - Ảnh: LÂM THIÊN
Phải biết phát hiện ‘kim cương trong cát’
Truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ Việt Nam, GS Duncan nói rằng nhiều người hỏi ông làm thế nào để được giải thưởng Nobel. Câu trả lời của ông là: "Các bạn không cần là một thiên tài như Einstein, mà cái bạn cần nhất là gặp may trong việc tìm ra được cái gì đó mà không ai chờ đợi"
"Khi bạn đi trên một con đường bụi bặm, chân bạn đạp vào cát nhưng đôi khi trong đó lại có một viên kim cương. Việc của bạn là phải nhận ra đó là viên kim cương. Nếu các bạn không nhận ra thì sẽ có người tiếp theo nhặt được viên kim cương đó. Các bạn cần có sự chuẩn bị để nhận ra cái mình tìm ra, phải có sự tận tụy theo đuổi ý tưởng của mình đến cùng. Khi tìm ra được ý tưởng mới, sẽ có những người chống lại ý tưởng đó, thì bạn cần đấu tranh để bảo vệ cho ý tưởng của mình" - GS Duncan nói.
Hơn 300 học sinh, sinh viên quan tâm khoa học đã đến nghe bài giảng của GS Duncan - Ảnh: LÂM THIÊN