Với việc thị trường hàng không tăng trưởng nóng, hạ tầng còn hạn chế, thời gian qua, các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến đã gây bức xúc cho hành khách đi máy bay và cần có giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng này.
Tại buổi họp bàn giải pháp kéo giảm chuyến bay chậm, huỷ vào ngày 13/7, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, lượng khách nội địa trong sáu tháng qua đã tăng tới 38% so với cùng kỳ 2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19 (năm 2019).
Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận trong bối cảnh hạ tầng hàng không còn hạn chế, nhân sự có nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, số lượng chuyến bay chậm hủy cũng tăng đáng kể, đặc biệt tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến chậm hủy chuyến như thời tiết xấu; bất cập liên quan đến sắp xếp vị trí đỗ máy bay, thời gian chiếm dụng đường băng của phi công khi cho máy bay cất hạ cánh; năng lực điều hành không lưu …
Nhấn mạnh không thể chờ hạ tầng cải thiện rồi mới giảm chuyến bay chậm, hủy, ông Thắng cho rằng trong bối cảnh, điều kiện này, công việc đặt ra là phải tìm cách làm mới, áp dụng công nghệ mới và đồng bộ, từ nhà ga, sân đỗ, cho đến điều hành chuyến bay… để giảm tối đa tình trạng chậm hủy chuyến, đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
“Mỗi khâu rút ngắn được một chút thì năng lực điều hành sẽ tăng, sân bay lưu thoát tốt lên, chậm hủy chuyến giảm, chuyến bay khai thác nhiều hơn,” người đứng đầu Cục Hàng không nói.
Về phía các hãng hàng không, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định không hãng hàng không nào muốn chuyến bay của mình bị chậm, huỷ. Để giữ uy tín với khách hàng, bản thân hãng hàng không đã phải tìm mọi cách để đảm bảo an toàn, giá hợp lý và đúng giờ.
“Không hãng bay nào nào muốn mất uy tín với khách. Các hãng không muốn thay đổi lịch bay, không bao giờ muốn giảm slot (lượt cất, hạ cánh). Hơn nữa, slot là tài sản, phải kiên quyết sử dụng ở mức độ cao nhất. Càng bay và sử dụng slot nhiều sẽ có nhiều khách thì hàng không mới càng phát triển,” ông Quang cho biết.
Mặt khác, các hãng bay cũng nhìn nhận thị trường đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo và các hãng hàng không có bị động trong lập kế hoạch bay do thị trường khôn lường. Nếu so với thế giới, các nước châu Âu, Mỹ phải huỷ hàng trăm ngàn chuyến bay vì hệ thống hàng không không đáp ứng được sau dịch COVID-19.
Từ đó, các hãng hàng không cam kết sẽ phối hợp tối đa với nhà chức trách để nâng chất lượng dịch vụ, giảm chuyến bay chậm huỷ.
[Bộ GTVT đưa ra giải pháp khắc phục và xử lý chậm, hủy chuyến bay]
Đánh giá khi khách đi máy bay đông lên, hạ tầng hạn chế, việc ùn tắc, chậm hủy chuyến là khó tránh khỏi, tuy nhiên, ông Đinh Việt Thắng, bày tỏ quan điểm: “Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi yên chấp nhận. Nếu áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, chuyến bay chậm hủy vẫn nhiều thì phải cắt giảm số chuyến bay.”
Đưa ra các giải pháp, ông Thắng chỉ đạo các đơn vị trong ngành hàng không tuỳ từng sân bay phải có quy định cụ thể với việc chiếm dụng đường cất hạ cánh. Đặc biệt, với sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất phải đảm bảo hạ cánh xong tối đa 60 giây là phải thoát ly; cất cánh cũng chỉ được tối đa 30 giây. Tổ bay nào không đáp ứng được quy định sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này.
Với phương thức cất hạ, ông Thắng yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) nghiên cứu sớm quyết định rút áp dụng phân cách tối thiểu giữa các máy bay tại Nội Bài xuống còn 3 dặm (hiện nay là 5 dặm).
Đối với quản lý sân đỗ, Cục trưởng Cục Hàng không yêu cầu VATM, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chủ động phối hợp, bàn lại quy chế điều phối sân đỗ, linh hoạt cả theo giờ bay nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt, cùng nhau nâng chất lượng dịch vụ./.