Báo cáo mới công bố từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Mỹ tăng lên mức 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981. Mức tăng này bỏ xa mức tăng 8,8% mà Dow Jones đã dự báo trước đó. Trước đó vào tháng 5, CPI tại Mỹ cũng đã tăng tới 8,6%.
Đáng chú ý, lạm phát tháng 6 tại Mỹ cũng cao nhất kể từ tháng 12/1981.
Giá xăng dầu tăng cao là lý do chính khiến CPI tại Mỹ lập kỷ lục trong hơn 4 thập kỷ. Người Mỹ đã phải trả trung bình 5 USD/gallon - mức cao kỷ lục trong tháng 6 vừa qua. Ước tính giá năng lượng đã tăng đến 7,5% riêng trong tháng 6, cũng như tăng đến hơn 41% trong 12 tháng qua.
Giá lương thực, chi phí chỗ ở… cũng là lý do khiến CPI tháng 6 tại Mỹ tăng mạnh.
CPI tháng 6 tại Mỹ tăng đến 9,1%
Với việc CPI tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 được cho là cơ sở vững chắc để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế. Theo dự báo, FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm trong cuộc họp vào cuối tháng 7 tới đây.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã ngay lập tức phản ứng tiêu cực với thông tin trên. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hiện đã giảm hơn 192 điểm - xuống còn hơn 30.981 điểm. Trong khi Nasdaq giảm gần 1% (giảm hơn 107 điểm), còn S&P 500 đã giảm hơn 35 điểm.
Theo Reuters, với việc lạm phát và chi phí đi vay tiếp tục tăng cao đang làm dấy lên những lo ngại về một cuộc suy thoái vào đầu năm tới.
Mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 2,3% trong năm 2022 (so với mức 2,9% dự báo hồi tháng 6). Trong tuyên bố, các giám đốc điều hành IMF khẳng định việc lạm phát tăng trên diện rộng "gây ra những rủi ro hệ thống cho cả Mỹ và nền kinh tế toàn cầu". Do đó, ưu tiên chính sách hiện nay sẽ phải là sớm kìm hãm đà tăng của giá cả và lương mà không gây ra suy thoái. IMF khẳng định đây là nhiệm vụ khó khăn.