Ngày 13-7, UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã giao Phòng TN-MT, UBND xã Vĩnh Hiệp kiểm tra, rà soát để làm rõ việc quản lý, sử dụng, giao đất rừng của các hộ dân ở địa phương. Qua đó, làm rõ việc gia đình ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, nhận chuyển nhượng cả trăm ha đất rừng.
Cây rừng ở huyện Vĩnh Thạnh bị "đầu độc" để chiếm đất làm rẫy
Theo UBND xã Vĩnh Hiệp, hiện gia đình ông Nguyễn Đình Kim có 115 ha đất, đất rừng. Diện tích đất rừng này vốn do UBND xã Vĩnh Hòa (cũ), huyện Vĩnh Thạnh, giao cho con trai ông Kim là Nguyễn Đình Sơn cùng 3 hộ dân khác.
Việc giao đất theo hình thức nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, để trồng rừng sản xuất gắn kết trồng rừng phòng hộ. Thời hạn giao đến tháng 7-2054. Đến năm 2018, hầu hết diện tích đất rừng được giao của các hộ dân trên đều chuyển nhượng cho gia đình ông Kim.
Mới đây, UBND xã Vĩnh Hiệp kiểm tra, phát hiện cha con ông Nguyễn Đình Kim đã chuyển nhượng 115 ha rừng trên cho bà Lâm Thị Vân (32 tuổi, quê tỉnh Bình Dương) bằng hợp đồng viết tay. UBND huyện Vĩnh Thạnh đã yêu cầu dừng việc chuyển nhượng đất rừng trên, không được tác động vào rừng để chờ làm rõ.
Trong 115 ha đất rừng của gia đình ông Kim, có hơn 30 ha bỏ hoang lâu nay. UBND xã Vĩnh Hiệp đề xuất thu hồi 30 ha rừng đã sinh trưởng thành rừng phòng hộ để giao cho đơn vị đủ năng lực, thẩm quyền quản lý bảo vệ. Tuy nhiên, hầu hết diện tích rừng, đất rừng trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên rất khó thu hồi.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định đã có văn bản yêu cầu Huyện ủy Vĩnh Thạnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, báo cáo việc ông Trần Quốc Biểu, Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh, để vợ lấn chiếm, làm công trình không phép trên đất rừng phòng hộ.
Vợ Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh làm công trình không phép trên đất rừng phòng hộ.
Liên quan đến vụ việc trên, một lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay đã yêu cầu UBND xã Vĩnh Hảo, các cơ quan chức năng liên quan lập kế hoạch tổ chức cưỡng chế đối với bà Trương Thị Lệ Thâm, vợ của ông Trần Quốc Biểu (cùng ngụ thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh). Bà Thâm là cán bộ thuộc UBND huyện Vĩnh Thạnh đã nghỉ hưu.
Trước đó, cuối năm 2021, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Thâm 5 triệu đồng về hành vi lấn chiếm trái phép đất rừng phòng hộ, đồng thời buộc khôi phục nguyên trạng đất rừng đã lấn chiếm. Tuy nhiên, đến nay, bà Thâm vẫn chưa chấp hành việc trả lại, chưa khôi phục nguyên trạng diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép.
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, bà Thâm đã cho người phát dọn cây rừng, lấn chiếm trái phép hơn 58 m2 đất rừng phòng hộ tại khoảnh 1, tiểu khu 184B, thuộc thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý. Tiếp đó, bà Thâm làm khu nhà sàn bằng gỗ không phép trên diện tích lấn chiếm. Không chỉ vậy, cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận tại khu vực đất rừng mà bà Thâm lấn chiếm có nhiều cây gỗ lớn bị cưa hạ.
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng
Ngày 13-7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT vừa có văn bản đề nghị tỉnh này kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn.
Theo văn bản này, thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương ở Bình Định diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng, điển hình như vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên 11,5 ha tại tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ; vụ phá rừng, lấn chiếm trên 14,86 ha rừng trồng tại các tiểu khu 144, 145, 110, 123, 124 thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả.
Hiện trường một vụ phá rừng ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị thông tin về Tổng cục Lâm nghiệp để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Liên quan đến các vụ việc trên, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định – cho biết đã giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật theo đề nghị của Tổng cục Lâm nghiệp.