Grab, Gojek tăng cước phí
Khi mức giá xăng dầu tại Việt Nam lên mức cao nhất sau 8 năm, Grab là đơn vị mở màn cho đợt tăng giá cước phí để hỗ trợ đối tác tài xế bù đắp chi phí này. Ngày 6/3, Grab Việt Nam ra thông báo cho hay công ty sẽ tiến hành điều chỉnh giá cước các dịch vụ của mình, bắt đầu áp dụng từ 10/3.
Trong đó, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ cũng tăng giá.
Không chỉ tại Hà Nội và TP HCM, Grab cũng tăng giá cước tại các địa phương khác. Riêng GrabBike được điều chỉnh tăng giá cước, ở cả Hà Nội và TP HCM. Dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TP HCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác, cùng với cước dịch vụ GrabFood trên toàn Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng giá.
Chia sẻ về quyết định này, Grab cho hay: "Việc điều chỉnh lần này nhằm giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, trong bối cảnh giá xăng dầu và giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng nóng gần đây".
Theo sau Grab, Gojek Việt Nam cũng ra thông báo điều chỉnh giá cước dịch vụ từ ngày 14/3. Các dịch vụ tăng giá là GoRide(vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn), trong khi hai dịch vụ khác là GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên.
"Giá cước của Gojek được tính toán trên cơ sở mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời đảm bảo cho các đối tác tài xế của Gojek nhận về khoản thu xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra", phía Gojek chia sẻ.
Động thái ngược dòng của Be, ShopeeFood
Ngược với hai đối thủ nói trên, ứng dụng Be khẳng định sẽ không tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ nhằm bình ổn giá sau dịch và hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, Be cũng mạnh tay giảm chiết khấu 10% cho đối tác tài xế beCar thân thiết tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai từ ngày 17/3.
Nói về động thái đi ngược dòng này so với đối thủ, đại diện Be cho biết: "Hoạt động này nhằm phần nào giúp tiếp tục đảm bảo đời sống cũng như chia sẻ khó khăn với tài xế trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chi phí tăng cao như hiện nay".
Tương tự Be, ShopeeFood cũng cho biết công ty vừa tung ra gói ưu đãi xăng dầu dành riêng cho các shipper trong bối cảnh giá cả biến động. "Chúng tôi thấu hiểu sự khó khăn của các tài xế trước tình hình biến động giá xăng dầu những ngày vừa qua.
Chính vì vậy, nhằm giúp tài xế yên tâm vận hành và tích cực hoạt động phục vụ khách hàng trong giai đoạn này, chúng tối đã triển khai gói ưu đãi xăng dầu dành riêng cho tài xế ShopeeFood tại các cửa hàng PVOil", đại diện Shopee cho hay.
Hiện trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam có ba cái tên đang cạnh tranh giành thị phần gồm: Grab, Gojek và BeGroup. Trong đó, theo báo cáo mới nhất của ABI Research, Grab dẫn đầu thị trường với 74,6% thị phần, tiếp theo là Be (12,4%) và Gojek (12,3%).
Trong khi Grab từ sớm đã theo đuổi con đường siêu ứng dụng và thực sự đã trở thành siêu ứng dụng với loạt dịch vụ từ gọi xe, tài chính, giao hàng,… thì Gojek cũng đang triển khai kế hoạch tương tự.
Riêng Be - ứng dụng gọi xe duy nhất của Việt Nam, đang hoạt động trong các mảng chính gồm: gọi xe, chuyển phát và tài chính. Hiện ứng dụng này đạt 10 triệu lượt tải xuống trên thiết bị di động với 300.000 tài xế.