Kinh doanh

Google Maps sắp đón đối thủ mới: Siêu ứng dụng Grab kinh doanh bản đồ, sẽ mở rộng ra ngoài khu vực Đông Nam Á

Siêu ứng dụng Grab của Singapore sẽ bắt đầu bán dữ liệu bản đồ cho các doanh nghiệp khi công ty này đa dạng hóa thành một thị trường mà những ông lớn đang khai thác như Google có thể dễ dàng bóp nghẹt các đối thru mới, theo Asia Nikkei.

Grab tiến vào thị trường mới, cạnh tranh với Google

Theo những thông tin mới nhất, nhằm đa dạng hóa nguồn lợi nhuận, siêu ứng dụng Grab, được biết đến nhiều nhất với dịch vụ gọi xe, sẽ cấp phép dữ liệu bản đồ mà họ thu thập từ tài xế và người dùng cho các công ty công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ logistics và viễn thông.

Công ty không đưa ra chi tiết liên quan đến phí cấp phép, nhưng nhận định rằng thị trường này tại khu vực Đông Nam Á có thể đạt giá trị 1 tỷ USD vào năm 2025, theo công bố được đưa ra ngày 8/6.

Người đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling cho biết: “Grab luôn tìm cách phát triển công nghệ để đáp ứng nhu cầu địa phương hóa tại Đông Nam Á và GrabMaps là một ví dụ điển hình cho nỗ lực này. Những con hẻm và trục đường nhỏ trên khắp các thành phố ở Đông Nam Á thường không hiển thị trên bản đồ thông thường, nhưng lại được các đối tác tài xế của chúng tôi điều hướng định vị mỗi ngày.

Chúng tôi đã đầu tư phát triển công nghệ này thành một ưu thế cạnh tranh để mang đến cho người dùng và đối tác của Grab trải nghiệm tốt hơn, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chúng tôi tự hào rằng Grab sẽ sớm vận hành công nghệ bản đồ và định vị hoàn toàn độc lập. Việc thương mại hóa công nghệ này là một bước tiến khác của Enterprise and New Initiatives - một mảng kinh doanh còn non trẻ nhưng đang phát triển nhanh chóng của Grab.”

Grab sẽ khai thác thị trường bản đồ, vốn được thống trị bởi Google Maps. (Ảnh: Grab).

Các công ty như Google hay TomTom (Hà Lan) đã thống trị lĩnh vực lập bản đồ và định vị địa lý trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Grab cho biết họ có lợi thế hơn các công ty đương nhiệm bởi nguồn dữ liệu dồi dào từ cộng đồng người sử dụng trên 8 thị trường Đông Nam Á mà doanh nghiệp đang khai thác.

Dựa trên phản hồi từ các tài xế, bao gồm cả hình ảnh thu được từ camera gắn trên mũ bảo hiểm của họ, Grab có thể thu thập dữ liệu về cả những con đường bị đóng, đường hay xảy ra tai nạn và cả những con đường thay đổi phí theo thời gian thực. Ngoài ra, các thay đổi về điểm trả khách trong các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại có thể được cập nhật nhanh chóng dựa trên dữ liệu người dùng.

Philipp Kandal, trưởng nhóm kỹ sư phụ trách mảng kinh doanh bản đồ của Grab cho biết: “GrabMaps giúp tăng cường sức mạnh của Grab với vai trò là một siêu ứng dụng hàng đầu khu vực đang phục vụ nhu cầu thiết yếu mỗi ngày cho hàng triệu người dùng. Với những thành công đã đạt được cùng tầm nhìn mà Grab đang có tại Đông Nam Á, chúng tôi tự tin rằng GrabMaps có thể trở thành lựa chọn nền tảng bản đồ tốt nhất cho khu vực Đông Nam Á.”

Grab đã bắt đầu sử dụng OpenStreetMap, một cơ sở dữ liệu do cộng đồng người dùng và tài xế cung cấp, làm dữ liệu bản đồ cơ sở vào năm 2017. Công ty cũng đang sử dụng các dịch vụ bản đồ và vị trí trả phí của bên thứ ba. Kể từ đó, Grab đã thu thập dữ liệu về 33 triệu địa điểm, bao gồm dữ liệu mà người lái xe chặng cuối cần, từ điểm trả khách chính xác tại các sân bay cho đến mức độ hữu ích của những con phố nhỏ hẹp.

Grab có thể thu thập dữ liệu từ camera gắn trên mũ bảo hiểm của tài xế. (Ảnh: Tsubasa Suruga/Asia Nikkei).

Kỳ vọng đa dạng hóa nguồn lợi nhuận

Được xây dựng từ đầu, GrabMaps sẽ giúp Grab tiết kiệm chi phí đối với các dịch vụ trả phí của bên thứ ba. Công ty không còn sử dụng các dịch vụ thương mại này ở 7/8 thị trường mà Grab đang hoạt động. Thị trường duy nhất vẫn đang sử dụng là Indonesia cũng sẽ được chuyển đổi vào cuối năm nay.

Khi mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới như bản đồ kỹ thuật số, Grab mong muốn có thể đa dạng hóa nguồn lợi nhuận. Nhà cung cấp dịch vụ có trụ sở tại Singapore chiếm thị phần lớn trên thị trường gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á, trong bối cảnh vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như GoTo của Indonesia và Sea của Singapore.

Gọi xe và giao đồ ăn vẫn là những phân khúc quan trọng của Grab. Trong năm tài chính 2021, hai mảng kinh doanh này đã đóng góp tới 90% tổng doanh thu của Grab.

Đầu tháng 5, Grab cho biết sẽ bắt đầu giảm bớt các ưu đãi vào cuối năm nay khi những tài xế đã có thể quay trở lại với công việc sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung tài xế bị bó hẹp, kết hợp với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ, số lượng các chuyến xe của Grab có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể tác động tới quy mô dữ liệu của GrabMaps.

Một trong những trọng tâm khác của Grab là dịch vụ tài chính. Cuối tháng 5, Grab đã kết hợp các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, bảo hiểm và cho vay để cho ra thương hiệu GrabFin.

Hợp tác với Singtel, Grab đã giành được giấy phép ngân hàng đầy đủ của Singapore và dự kiến ​​ra mắt ngân hàng kỹ thuật số vào cuối năm nay. Trước đó, vào tháng 4, tập đoàn này cũng đã giành được giấy phép hoạt động ngân hàng tại Malaysia.

Đối với bước đột phá về lĩnh vực bản đồ, Grab cho biết họ đã nhắm mục tiêu đến những doanh nghiệp công nghệ lớn trong phạm vi tiếp cận ban đầu, đồng thời nói thêm rằng họ dự kiến ​​sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài khu vực Đông Nam Á.

 

"Thương mại hóa lĩnh vực bản đồ là một bước tiến nữa đối với doanh nghiệp trẻ nhưng đang phát triển nhanh như Grab”, bà Tan Hooi Ling nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm