Những xung đột văn hoá giữa các ông chủ Trung Quốc của TikTok và nhân viên mảng TMĐT tại Anh đang khiến nhiều nhân viên thôi việc. Nhiều nhân sự cũng phàn nàn về văn hoá doanh nghiệp “hung hãn”, trái ngược với các thông lệ doanh nghiệp thường gặp ở Anh.
Joshua Ma, một lãnh đạo cấp cao của ByteDance, đồng thời là giám đốc mảng TMĐT TikTok Châu Âu, từng khiến các nhân viên tại London tức giận tại một bữa tiệc tối trong năm nay khi ông nói rằng, là một “nhà tư bản”, ông “không tin rằng” các công ty nên cho phép nghỉ thai sản, theo FT.
Sự kiện này là một trong những bằng chứng cho thấy những mâu thuẫn lớn hơn bên trong mảng TMĐT của TikTok. Ít nhất 20 nhân sự TMĐT tại London của TikTok, tương đương khoảng một nửa định biên nhân sự ban đầu, đã rời công ty kể từ khi TikTok Shop chính thức ra mắt. Một số người khác thì nói rằng họ chuẩn bị nghỉ việc. Hai nhân viên đã nhận được các khoản bồi thường liên quan đến điều kiện làm việc.
“Có người nghỉ việc mỗi tuần, như kiểu một trò chơi, mỗi thứ Hai, chúng tôi hỏi nhau ai bị đuổi và ai nghỉ việc”, một nhân viên hiện tại nói với FT.
Hôm 8/6 tuần này, TikTok đã gửi email đến cho các nhân viên và nói rằng Joshua Ma đang tạm thời rời vị trí của mình trong lúc TikTok thực hiện một cuộc điều tra những bình luận và cáo buộc mà nhân viên TikTok đã nêu ra sau khi FT đăng tải các thông tin nói trên.
ByteDance kêu gọi thành công 5 tỷ USD vốn đầu tư vào tháng 12/2020 ở định giá 180 tỷ USD. Năm ngoái, doanh thu của nó cũng tăng 111% để chạm mốc 34 tỷ USD.
Công ty này đang tìm cách “hợp lý hoá” mức định giá nói trên bằng cách mở rộng mảng TMĐT, sử dụng một tính năng đã mang đến nhiều thành công cho Douyin, phiên bản TikTok tại thị trường Trung Quốc.
TikTok Shop cho phép các thương hiệu và người có tầm ảnh hưởng (influencer) thực hiện livestream trong ứng dụng đồng thời bán sản phẩm thông qua tính năng ngay trên màn hình. Anh là thị trường đầu tiên bên ngoài Châu Á TikTok triển khai tính năng TikTok Shop.
Đội ngũ TMĐT của TikTok tại London cho biết họ thường xuyên làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày. Họ thường bắt đầu làm việc từ sớm để tham gia các cuộc gọi từ Trung Quốc và thường kết thúc ngày làm việc muộn vì hoạt động livestream thường thành công hơn vào buổi tối và các “báo cáo phản hồi” cần ghi nhận ngay lập tức.
Hình ảnh nhân viên làm việc vào sáng sớm được chia sẻ trong các bài truyền thông nội bộ như một cách để thể hiện “tính cam kết”. Trong khi đó, một chia sẻ của nhân viên rằng anh đã làm việc trong kỳ nghỉ được gọi là ví dụ của một việc nên làm.
TikTok cho biết đôi khi nhân viên của họ phải làm việc với giờ giấc linh hoạt để “phù hợp với thói quen của người dùng” và TikTok nỗ lực để đây là các “trường hợp ngoại lệ chứ không phải điều thường xuyên xảy ra”.
Một số nhân viên phát ốm vì stress trong khi đó một số thì bị xoá khỏi tài khoản khách hàng và hạ chức sau khi nghỉ phép.
“Môi trường rất độc hại. Các mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự sợ hãi chứ không phải hợp tác”, một cựu nhân sự London nói. “Họ không quan tâm đến việc bạn đang kiệt sức vì họ là công ty lớn và có thể thay thế bạn dễ dàng”, người này chia sẻ thêm.
Hiện tại, TikTok Shop dường như vẫn khá thiếu sức hút ở Anh và đang vận hành lỗ, trong khi đó nhiều livestreamer không tạo ra được doanh thu bán hàng.
Một số nhân viên nói rằng họ nhận “các mục tiêu phi thực tế” với doanh thu tới 400.000 Bảng Anh mỗi tháng từ livestream, trong khi đó một nhà bán hàng thường chỉ bán được dưới 5.000 Bảng Anh trong một phiên livestream thành công. TikTok thu 5% phí hoa hồng từ doanh số bán hàng song thường thì hãng đang không thu mức phí này để thu hút các thương hiệu mới lên nền tảng.
Những người không đạt mục tiêu kinh doanh hoặc từ chối làm việc ngoài giờ thường vị nêu tên trong các bản tin nội bộ, nhiều cực nhân sự nói.
“TikTok Shop mới chỉ hoạt động ở Anh vài tháng và chúng tôi đang nhanh chóng mở rộng nguồn lực, cấu trúc và quy trình để hỗ trợ các trải nghiệm tích cực cho nhân viên”, TikTok nói. Công ty này cũng cung cấp các hỗ trợ về thể chất, sức khoẻ tinh thần cũng như các khoá huấn luyện.
Chiến lược của TikTok là tìm các nguồn hàng từ các nhà sản xuất giá rẻ ở cả Anh và Trung Quốc để bán ra với chi phí thấp.
Một sản phẩm bán chạy có tên “Dyson dupe” (một thiết bị làm tóc giống thiết bị Dyson Airwrap) có giá 14 Bảng Anh. Trong khi đó, Dyson Airwrap có giá 450 Bảng Anh.
Dyson nói rằng công ty này không ủng hộ hàng nhái kém chất lượng và kêu gọi TikTok có vai trò trong vấn đề này. TikTok cho biết nó có một đội ngũ kiểm soát hàng giả và có các quy tắc rõ ràn về sản phẩm.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Lookfantastic, L’Oréal và Charlotte Tilbury cũng đã bán hàng trên TikTok Shop. Các thương hiệu được khuyến khích triển khai flash sale và bán hàng với chiết khấu cao, thường do TikTok trợ giá. Các chi phí để thực hiện livestream như chi phó nhân sự hay kỹ thuật, cũng do TikTok tài trợ.
“Mô hình này không hiệu quả vì Anh là thị trường hoàn toàn khác nhưng lãnh đạo không lắng nghe và từ chối thay đổi”, một nhân sự nói. Các thương hiệu Châu Âu thường không cảm thấy thoải mái khi giảm giá sâu sản phẩn, một nhân sự làm việc trực tiếp với các nhãn hàng nhấn mạnh.
TikTok tuyển dụng nhiều nhân sự có kinh nghiệm ở mảng TMĐT và ngành hàng xa xỉ. Nhân sự sẽ dùng mối quan hệ của họ để thu hút các nhãn hàng lớn song họ nói rằng mối quan hệ công việc trong dài hạn của họ bị ảnh hưởng do phải đàm phán quyết liệt mức chiết khấu. Đôi khi hợp đồng bị dừng lại mà không có giải thích. “Tôi mất tín nhiệm với các nhà bán hàng”, một nhân viên hiện tại nói.
Về phần mình, TikTok nói rằng nó “liên tục học hỏi, thay đổi và cải thiện dịch vụ”.
Các influencer được kỳ vọng sẽ livestream 2 lần một tuần và nhận được hoa đồng thoả thuận trước đó từ doanh thu. Dù vậy, tiền hoa hồng với một số influencer bị giảm gần đây khiến nhiều người chấm dứt hợp tác.