Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, riêng quý I/2022, tín dụng đã tăng 5,04%, mức tăng trưởng cao vượt trội so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái (mức 1,26%). Trong khi đó khảo sát tại các ngân hàng, vì tăng trưởng tín dụng mạnh trong những tháng đầu năm, hầu như các ngân hàng đã cạn room ngay thời điểm cuối tháng 3. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phát đi tín hiệu cho thấy room tín dụng sẽ được nới thêm. Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được gấp rút đưa vào nền kinh tế.
Vì sao mới quý I các ngân hàng đã hết quota?
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, vì nền kinh tế phục hồi nên dòng tiền đã quay trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này đã góp phần kích thích tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận chảy gián tiếp vào thị trường bất động sản, chứng khoán.
"Theo thống kê của Quốc hội, tổng dư nợ của bất động sản trên 20%, song thời gian qua nhân tố chính kích thích tăng trưởng tín dụng trở lại vẫn là từ các ngành sản xuất"- Ông Minh nhận định.
Chia sẻ thêm, chuyên gia cho biết, hoạt động tín dụng ở ngân hàng chủ yếu có 2 hình thức là vay tín chấp và vay thế chấp. Để vay với mức lãi suất tốt hơn, thông thường các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ chọn vay thế chấp. Tài sản đảm bảo ở đây phần lớn là các bất động sản. Mặc dù không chủ động cho vay nhà đất, song các tài sản thế chấp lại vô tình gián tiếp tạo ra một rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng.
(Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam)
Việc hết room tín dụng sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngân hàng và doanh nghiệp?
Theo ông Minh, việc cạn room chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng các ngân hàng, nhất là những nhà băng đã hết hạn mức.
Thời gian gần đây, các ngân hàng khá dồi dào thanh khoản. Điều này đồng nghĩa với việc lượng huy động vào nhiều, song lượng cho vay ra lại ít.
Trước đây, khi gặp tình trạng này các ngân hàng thường sẽ chọn mua trái phiếu doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu phát hành cũng không nhiều. Bộ tài chính cũng đã bắt đầu rà soát và thanh tra lại các hoạt động trên thị trường này và các ngân hàng cũng không mạnh tay như trước.
Hiện nay, chỉ còn lại một kênh là trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ cho lợi suất không cao.
"Lãi suất huy động tăng song lại không có đầu ra cho vay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng ngân hàng. NIM các ngân hàng sẽ có nhiều khả năng giảm trong quý II và áp lực cũng sẽ không ít với các ngân hàng" - Ông Minh đánh giá
Theo chuyên gia, có 2 câu chuyện chính sẽ xoay quanh nhóm ngân hàng thời gian tới đó là việc làm sao để nới được room tín dụng và khi nào thị trường bất động sản thông thoáng trở lại.
Bên cạnh đó, Ông Minh cũng lưu ý nếu kiểm soát quá chặt chẽ doanh nghiệp sản xuất cũng khó có thể tiếp cận được tín dụng để khôi phục sản xuất.
"Chính phủ vừa có thêm gói hỗ trợ lãi suất 2%, song việc cạn room cũng có thể khiến cho các ngân hàng không tham gia hành động được" – chuyên gia chia sẻ.
Ngân hàng nên làm gì?
Theo ông Minh, hạn mức tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ tăng lên. Vì 2 năm Covid vừa qua, các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là ở nhóm dịch vụ. Nếu không được bơm vốn các doanh nghiệp có thể không phục hồi được. Việc các doanh nghiệp không thể vực dậy được có thể gây ra áp lực nợ xấu, điều này là không tốt cho cả hoạt động tín dụng lẫn nền kinh tế.
Theo chuyên gia, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tài chính lành mạnh, bộ đệm vốn tốt sẽ được ưu tiên giao room tăng trưởng tín dụng cao hơn. Vì thế, bên cạnh việc trông chờ vào cơ chế "xin - cho", các ngân hàng có thể chủ động phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại để tăng vốn điều lệ, tăng tỷ lệ an toàn vốn để có thể tiếp tục cho vay.
Tuy nhiên, điều này là khá khó khăn vì thị trường chứng khoán nhìn chung đang chịu áp lực hạn chế đà tăng giá và dòng ngân hàng nói riêng đang có những sự điều chỉnh nhất định. Chính vì thế, nếu pha loãng, tăng vốn rất có khả năng sẽ kéo dài đà giảm giá cho nhóm này.
Câu chuyện sâu xa hơn các ngân hàng có thể tính đến đó là bán vốn cho cổ đông nước ngoài. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các nhà băng tối đa chỉ khoảng 30%. Tuy nhiên, như đã đề cập bên trên, việc thị trường chứng khoán chưa có nhiều dấu hiệu sôi động hơn cũng là một vấn đề quyết định sự thành công của những đợt bán vốn ngoại.
Những ngân hàng có nguồn vốn hạn hẹp hơn hoặc phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, lại "full room ngoại", việc tăng vốn cũng sẽ là khó khăn hơn trong thời gian tới.
Tổng kết, chuyên gia cho rằng có 3 biện pháp chính để tăng room tín dụng đó là 1) chờ đợi tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước, 2) tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại, 3) Nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Room tín dụng - cơ chế hợp lý song cần thúc đẩy sự cạnh tranh
Chuyên gia đánh giá, cơ chế room tín dụng ở Việt Nam là hợp lý song vẫn còn nhiều yếu tố cần cải thiện để nâng cao tính cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Cụ thể, room tín dụng là một cơ chế phù hợp để ngăn các ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá nóng hoặc có những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực quản trị rủi ro. Đơn cử như giai đoạn 2020-2021, dòng tiền rẻ xuất hiện trên thị trường, nếu không có room tín dụng và dòng tiền được tự do chảy vào các hoạt động chứng khoán cùng bất động sản thì rủi ro sẽ là rất lớn.
Mặc dù ưu điểm của quy định này là giúp kiểm soát tốt các ngân hàng có chất lượng tài sản không tốt, phòng ngừa một số rủi ro, song nó vẫn có những hạn chế nhất định.
"NHNN đang áp dụng một cách đồng bộ quy định lên cả hệ thống. Điều này có thể sẽ tạo ra sự không công bằng đối với những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt" - Ông Minh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia, cơ chế này cần phải có một sự đánh giá xếp hạng tốt hơn. Đối với những ngân hàng có thứ hạng tốt, Ngân hàng Nhà nước có thể cấp cho một mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng ở tốp sau.
Chuyên gia kiến nghị sử dụng cơ chế "stress test" như các nước phát triển hoặc có thể thông qua các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để ra quyết định cấp room tín dụng cho các ngân hàng. Điều này sẽ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các ngân hàng có chất lượng tốt, đồng thời thúc đẩy và buộc các ngân hàng yếu kém thay đổi mình.