Những biến động phức tạp xoay quanh xung đột Nga – Ukraine đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong phiên giao dịch 7/3, chỉ số VN-Index giảm 6,28 điểm (-0,42%) xuống 1.499,05 điểm với sắc đỏ ngập tràn các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, các cổ phiếu hàng hóa tiếp tục hưởng lợi và đồng loạt bứt phá mạnh. Giao dịch khối ngoại cũng kém tích cực khi họ bán ròng gần 1.500 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Với những biến động khó lường gần đây, trong bản tin nhận định, các Công ty chứng khoán đã đưa ra quan điểm thận trọng và cho rằng VN-Index nhiều khả năng vẫn tranh chấp mạnh quanh mốc 1.500 điểm.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều khả năng chỉ số VN-Index tiếp tục có diễn biến tranh chấp quanh 1.500 điểm trong những phiên sắp tới. Do vậy, VDSC khuyến nghị trong quá trình kiếm tra mối quan hệ cung-cầu tại vùng hỗ trợ, nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố rủi ro và giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý. Đồng thời chỉ nên ưu tiên những cổ phiếu có tín hiệu tích cực từ vùng tích lũy và đang thu hút dòng tiền.
Chưng quan điểm thận trọng, Chứng khoán Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ còn giằng co quanh đường trung bình 20 phiên, tương đương 1.500 điểm. Đồng thời, dòng tiền vẫn có thể phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Điểm tích cực là dòng tiền đang dần cải thiện tích cực hơn trong vài phiên gần đây cho thấy thị trường có tín hiệu lạc quan hơn, nhưng mô hình tam giác của chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa hoàn tất. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng mạnh cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là nên tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.
Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với mức 55-60% danh mục.
Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng thị trường đang có những bước đi khó lường do ảnh hưởng từ diễn biến thế giới. Trong những phiên tới, thị trường có thể vẫn sẽ dao động xung quanh vùng ±1.500 điểm.
Trong khi đó, Chứng khoán SHS cho biết mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ đã điều chỉnh từ 10%-20% trên 3 chỉ số chính trong khoảng 2 tháng trở lại đây, nhưng các chỉ số chứng khoán Việt Nam gần như đi ngang và chỉ giảm rất nhẹ nếu so với 2 tháng trước đó.
Với diễn biến hiện tại, SHS cho rằng nếu tình hình ổn định trở lại thì chứng khoán Việt Nam có thể bật tăng trở lại để hướng đến những ngưỡng cao mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, xu hướng đi ngang có lẽ sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 8/3, VN-Index có thể sẽ giao dịch giằng co và đi ngang quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.