Chị N.T.A (37 tuổi, Hà Nội) cho biết chị vừa bán 6 lượng vàng với giá hơn 70 triệu đồng/lượng và thu về hơn 420 triệu tiền mặt.
Chị N.T.A cho hay, từ lúc anh chị cưới đã được người thân, họ hàng, bạn bè tặng vàng làm quà cưới. Tổng cộng từ nhẫn, vòng tay cho đến kiềng, thậm chí là vàng miếng, chị A được hơn 4 cây (tương đương với 4 lượng). Hai vợ chồng làm ăn tích cóp và mua thêm được 6 lượng vàng nữa, tổng cộng là 10 lượng. Số vàng chị tự mua lúc thấp nhất là chưa đến 30 triệu đồng/lượng, cao nhất là 42 triệu đồng/lượng. "Hôm nay thấy giá vàng lên cao quá, tôi bàn với chồng mang 6 cây đi bán, chờ khi nào giá giảm tôi mua lại"- Chị T.A phấn khởi chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao chị không bán hết tất cả số vàng bao gồm cả vàng cưới, chị A nói rằng chị muốn giữ lại 4 cây vàng kia như một phần để lưu giữ kỷ niệm, một phần chị muốn tiếp tục giữ vàng tích sản vì chị không chắc giá vàng có tăng tiếp hay sẽ giảm.
Khác với trường hợp của chị N.T.A, anh H.T.K (43 tuổi) chia sẻ, gia đình anh cũng có tâm lý thích trữ vàng nên khi có tiền dôi dư, anh thường mua vàng giữ lại. Hôm nay có nhiều người nói sẽ bán vàng vì giá kỷ lục nhưng cá nhân anh đánh giá vàng còn lên nữa nên chưa bán vội. "Tôi có đọc báo và thấy các chuyên gia phân tích giá vàng sẽ vẫn tăng, tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng, lạm phát cũng căng nên tôi sẽ tiếp tục giữa tiếp. Đã giữ vàng được bao nhiêu năm rồi, giờ giữ thêm thời gian nữa cũng không sao. Chẳng may giá có xuống thì cũng bình thường vì tôi mua vàng từ lúc còn rẻ, giá 28 triệu/lượng cũng có, 30 triệu cũng có, 36 triệu cũng có...", anh thẳng thắn chia sẻ.
Chị Hà Thắm (28 tuổi ở Hoà Bình) trong khi đó lại cho biết, chị cưới cách đây 3 năm, tổng cộng vàng cưới từ nhẫn, kiềng đến vàng miếng được hơn 2 cây (2 lượng), chị đã quyết định mang hết đi bán trong chiều ngày 7/3. Dù giá không được cao như vàng SJC nhưng vàng miếng SJC nhưng chị cũng rất phấn khởi vì tin rằng mình bán được giá "đỉnh".
"Bạn bè tôi mang vàng cưới đi bán nhiều lắm, rủ nhau trên zalo như đi hội ấy, tôi sốt ruột quá cũng mang đi bán, không hối hận chút nào", chị Thắm hồ hởi khoe.
Giá vàng lên cao kỷ lục hơn 74 triệu đồng/lượng trong chiều 7/3
Giải thích lí do giá vàng tăng, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường vẫn bị bao trùm bởi tâm lý bất ổn của nhà đầu tư. Nhất là trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng, các biện pháp trừng phạt, trả đũa kinh tế sẽ tác động đến dòng chảy hàng hóa trên thế giới và tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Do vậy dòng tiền đầu cơ sẽ tiếp tục chuyển về nơi trú ẩn an toàn như vàng, hàng hóa có khả năng thu được nhiều lợi nhuận trong ngắn hạn như dầu thô.
Và các chuyên gia dự báo, thị trường vàng trong thời gian sẽ tiếp tục bứt phá, tạo những kỷ lục mới, thậm chí lên tới 3000/ounce vào năm sau. Môi trường lãi suất thấp, lượng tiền các ngân hàng trung ương in ra lớn chưa từng có, kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị bất ổn là những yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng giá của kim loại quý này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề này. Không ít ý kiến vẫn nhận định, việc giá vàng liên tục lập những đỉnh mới chỉ là hiện tượng nhất thời do căng thẳng giữa Nga – Ukraine. Đặc biệt, chênh lệch giá vàng thế giới - giá vàng trong nước ở mức không tưởng là 18 triệu đồng/lượng, và chênh lệch giá mua vào - bán ra rất cao tới hơn 3 triệu đồng/lượng sẽ khiến nhà đầu tư dễ rơi vào thua lỗ nếu đầu tư vàng tại thời điểm này.