Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường chờ đợi phiên bùng nổ thanh khoản để lấy lại ngưỡng 1.300

 

 BTV Phương Nam và Trưởng phòng Tự doanh, CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình). 

Hiện nay, sức ép chốt lời ngắn hạn và sự thiếu vắng lực cầu mua đuổi đã khiến cho thị trường kém sôi động hơn những ngày đầu tháng 8. Trạng thái tranh chấp ngày một rõ nét hơn do đó các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư có cơ hội cơ cấu lại danh mục, đặt kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh của quý III.

Trong tuần giao dịch vừa qua, khối lượng thanh khoản khớp lệnh là vô cùng ấn tượng, cho thấy dòng tiền đang bắt đầu quay trở lại. Kể từ khi lập đáy, VN-Index đã tăng hơn 9,5%, có nghĩa là áp lực chốt lời đã xuất hiện và có xu hướng mạnh lên.

Nhiều ngành như ngành chứng khoán ghi nhận mức tăng trung bình ngành tới 27%, ngành xây dựng là 24% vì vậy số đông nhà đầu tư bắt đầu có hành động chốt lời dù thanh khoản đang cao.

Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng Tự doanh, CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, cho rằng ngưỡng từ 1.262 đến 1.280 là ngưỡng kháng cự khá mạnh và vùng này trước đó đã có khối lượng rất lớn cho nên đây là một trong những vùng mà các nhà đầu tư đều cực kỳ thận trọng.

Về tình hình kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang tương đối ổn định, 2 tuần vừa qua ghi nhận sự phục hồi vô cùng ấn tượng. Do trước ngưỡng 1.280 đến 1.300 là một khoảng giảm khá mạnh với khối lượng tăng cao nên khi thị trường quay lại vùng này sẽ tạo nên những rung lắc nhất định. Sau khi rung lắc nếu khối lượng bùng nổ vượt lượng giảm đó thì thị trường mới có khả năng lấy lại được vùng 1.300.

Ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng Tự doanh, CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình). 

Trong tuần này, thị trường đang rơi vào “vùng trũng thông tin”. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II cũng đã gần đi đến hồi kết. Những thông tin tâm điểm có lẽ sẽ thuộc về quốc tế khi Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát, dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng.

Về mặt cơ bản, nhà đầu tư lúc này đặt kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý III nhiều hơn là kết quả kinh doanh quý II. Trong báo cáo chiến lược thị trường vừa được VNDirect công bố, lợi nhuận ròng quý II của các công ty niêm yết và đăng ký giao dịch trên cả 3 sàn tăng trưởng ở mức 13,5% so với cùng kỳ, chậm hơn so với quý I năm nay.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 24,2% so với cùng kỳ, theo sát với mức dự phóng là 23% so với cùng kỳ cho cả năm 2022 của VNDirect. Dầu khí, hoá chất và ngân hàng là động lực tăng trưởng trong quý II.

Cụ thể, ngành dầu khí có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 172,6% so với cùng kỳ, được hưởng lợi rất lớn từ giá dầu tăng đột biến. Ngành hoá chất là 139% và ngân hàng là 39,8%.

Ở chiều ngược lại, chứng khoán giảm sâu 93,5% so với cùng kỳ do sự suy giảm của chỉ số, thanh khoản, hoạt động tự doanh, phí giao dịch. Ngành thép cũng ghi nhận mức giảm mạnh 67% so với cùng kỳ, kéo tăng trưởng lợi nhuận ròng của toàn thị trường là 8,6%. Các doanh nghiệp bất động sản thì có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm 35,8%.

Tuy có một vài nhóm ngành sụt giảm, bức tranh kinh doanh của những doanh nghiệp trong quý III vẫn vô cùng sáng sủa. Mặt khác, thị trường lại diễn biến ngược lại hoàn toàn so với kết quả kinh doanh.

Theo ông Kháng, từ lúc VN-Index ở mức 1.159 cho đến nay, dòng tăng mạnh nhất chính là dòng có kết quả kinh doanh kém nhất, đó là dòng chứng khoán với mức tăng trung bình ngành lên tới hơn 27,7%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu tăng vì kỳ vọng. Trong quý III, quý IV, dầu khí vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng tuy nhiên những nhóm ngành như hoá chất hoặc thuỷ sản thì không còn nhiều dư địa để tăng trưởng nữa. Kỳ vọng của thị trường nhiều khi sẽ đi ngược lại với kết quả hiện tại được công bố.

Về ngành bất động sản, giải ngân từ ngân hàng đã hạn chế hơn nhiều, việc phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn cũng bị chặn đứng lại. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bất động sản vẫn tăng 52%. Giá bất động sản trong thời gian vừa qua đã tăng cao nhưng bị chững lại, không giảm và thanh khoản thì yếu do ngân hàng chính sách thắt chặt tín dụng chảy vào bất động sản.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm