Ngày 14-8, đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh đang có 35.326 thẻ CCCD “nằm kho” vì chưa tìm được chủ.
Hiện nay, công an tại Bình Dương vẫn đang đẩy nhanh việc cấp thẻ CCCD gắn chíp cho người dân. Ảnh: LÊ ÁNH
Theo đại tá Chính, đến nay các bưu điện và công an các địa phương toàn tỉnh Bình Dương chưa thể phát số CCCD trên đến tay người dân.
“Nguyên nhân của tình trạng thẻ CCCD “nằm kho” là vì khi làm hồ sơ người dân cung cấp địa chỉ và số điện thoại không chính xác nên lực lượng công an và nhân viên bưu điện không thể phát đến tay người dân”, đại tá Chính nói.
Đại tá Chính giải thích thêm, có thể là thời điểm đó người dân đang dùng số điện thoại đó, nhưng sau đó đổi số điện thoại. Một số người dân tạm trú di chuyển nơi ở nên không có chính xác địa chỉ cư trú. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho lực lượng công an và bưu điện trong quá trình phát thẻ.
Để khắc phục điều này, phía công an và bưu điện đã thống nhất trường hợp nào không thể tìm được chủ. Phía bưu điện sẽ chuyển về cho lực lượng công an để người dân tự đến lấy hoặc phía công an sẽ xác minh lại chỗ ở và phát đến tay người dân.
Tính đến nay, Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận hơn 1,65 triệu hồ sơ đề nghị cấp, đổi lại thẻ CCCD.
Bộ Công an đã chuyển về cho tỉnh 1,246 triệu thẻ. Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với bưu điện trả 1,226 triệu thẻ cho người dân (đạt 66% so với tổng số người dân ở Bình Dương từ 14 tuổi trở lên được cấp CCCD).
Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện gần 300.000 hồ sơ cấp CCCD của người dân tạm trú sai sót về thông tin so với dữ liệu dân cư trong hệ thống.
Trong đó, có hơn 11.000 trường hợp sai sót bị quá hạn sáu tháng nên Bộ Công an đã xóa dữ liệu. Từ đó, lực lượng công an địa phương buộc phải mời người dân lên làm lại.
Được biết, mặc dù có rất nhiều trường hợp thẻ CCCD không thể phát đến tay người dân do thay đổi về thông tin cư trú. Nhưng cũng có rất nhiều người dân phản ánh đã làm thẻ CCCD cả năm nhưng vẫn chưa có dù nhiều lần lên cả bưu điện và công an địa phương. Điều này, khiến nhiều người dân không thể giải quyết được các thủ tục hành chính, công việc bị đình trệ.