Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- Công an quận Hoàng Mai đã kịp thời dập tắt đám cháy xảy ra tại biệt thự BT 2 Pháp Vân ngày 13-8
Lơ là, thờ ơ với phòng ngừa là nguyên nhân xảy cháy
Chỉ trong các ngày từ mùng 8-8 đến 13-8, đã liên tiếp xảy ra gần 10 vụ cháy nhà dân. Trong các vụ cháy vừa qua có lỗi giống nhau là sự chủ quan, thờ ơ với công tác phòng ngừa cháy, nổ của chủ nhân ngôi nhà xuất phát từ việc thắp hương, hóa vàng mã không chú ý...
Chỉ với ý thức chủ quan, lơ là trong những việc cụ thể của phong tục cúng “Rằm tháng 7”, đã gây ra bao nhiêu vụ cháy.
Điều dễ nhận thấy nhất, đó là năm nào, tháng nào cơ quan chức năng cũng tuyên truyền cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, loa phóng thanh và đến tận khu dân cư, tổ dân phố khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp PCCC, đặc biệt là vào những ngày trước “Rằm tháng 7”, CBCS Cảnh sát PCCC đến tận nhà nhắc nhở người dân việc thắp hương, nến và đốt vàng mã hết sức chú ý, cẩn trọng...
Thế nhưng, ý thức chủ quan về phòng cháy của người dân để bảo vệ chính gia đình và bản thân vẫn chưa “thấm” vào nhịp sống sinh hoạt của họ.
Ý thức lơ là với công tác phòng cháy thể hiện rõ ở việc trang bị phương tiện PCCC trong từng gia đình. Có thể dễ dàng nhận thấy ai cũng sẵn sàng bỏ ra chục triệu, thậm chí vài chục triệu đồng để mua sắm đồ đạc các loại…, nhưng hiếm thấy ai đó bỏ ra vài trăm nghìn để mua bình chữa cháy, lắp đặt thiết bị báo cháy, báo khói, báo hở gas... Trong khi đó, chính những vật dụng này là “phao” cứu sinh, công cụ bảo vệ tính mạng, tài sản khi không may xảy ra hỏa hoạn.
Hàng nghìn vụ cháy xảy ra trong thời gian qua đều xuất phát từ việc rất nhỏ và tưởng như đơn giản. Gần đây nhất, chỉ vì hoá vàng mã xong, chủ nhân “quên” tưới nước vào tàn lửa nên đã dẫn đến hậu quả gây cháy nhà ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Rất may lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Thanh Xuân đã kịp thời có mặt hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn những người trong gia đình đang bị mắc kẹt ở đám cháy đưa đến nơi an toàn.
Sau đó khoảng 3 giờ, tại nhà dân ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội tiếp tục xảy ra vụ cháy mà nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thắp hương cúng rằm, rồi... bỏ quên.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ đã kịp thời khống chế và ngăn cháy lan tại vụ cháy nhà tạm ở phường Nhật Tân
Hậu quả khôn lường của việc lơ là với PCCC đã quá rõ, thiệt hại từ cháy dù bất kể là gì cũng không lấy lại được. Hiểm họa cháy, nổ bấy lâu nay đều xuất phát từ suy nghĩ chủ quan của nhiều người dân, luôn cho rằng “nhà mình toàn bê tông, sắt thép cháy làm sao được” và “cháy đã có lính cứu hỏa”…
Cần thay đổi tư duy về hiểm họa cháy nổ
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội : “Công tác PCCC không phải của riêng ai, mà là trách nhiệm và nhiệm vụ của toàn dân. Nhiều người có ý thức tốt phòng ngừa hỏa hoạn, nhưng còn một người ý thức chủ quan, chưa tốt thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vì thế, nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết, thay đổi nhận thức, có kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ là biện pháp tối ưu để giảm số vụ cháy và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, Cảnh sát PCCC luôn đa dạng hóa các hình thức với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, để nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ dần ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân, khi đó sẽ hạn chế được rủi ro từ hỏa hoạn”.
Theo phân tích của các chuyên gia PCCC và CNCH, có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy, nổ nhưng phần lớn vẫn là do con người. Sự chủ quan của con người là cơ hội để lửa bùng lên thành ngọn lớn và cháy lan trên diện rộng.
Nếu không phải là sự chủ quan, mà bất cứ ai đều có ý thức cao trong hành động, việc làm của mình về an toàn PCCC thì lửa sẽ không thể cháy thành ngọn lớn, mà mới nhen nhóm đã bị hót hiện, dập tắt. Ngược lại, nếu còn sự lạnh lùng, thờ ơ với công rác PCCC thì khó tránh khỏi những hậu họa khôn lường do hỏa hoạn.
Do hóa vàng mã quên không tưới nước, ngôi nhà ở phường Kim Giang đã bị cháy
Trong công tác PCCC các nhà quản lý và nghiên cứu đã chỉ rõ người chữa cháy hiệu quả nhất là người phát hiện sớm nhất, khi ngọn lửa còn nhen nhóm. Bởi vậy, trong công tác này luôn đề cao vai trò người dân và luôn coi “mỗi người dân là một chiến sỹ cứu hỏa”. Nhưng muốn làm được việc này, người dân phải trang bị cho gia đình mình phương tiện chữa cháy và phải tham gia tập huấn các lớp tuyên truyền kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, chữa cháy do lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức thường xuyên.
“Ý thức công tác PCCC không chỉ dừng ở việc mua sắm trang thiết bị cho gia đình, mà còn phải trong tư duy và cẩn thận trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Khi đốt vàng mã, thắp hương, nến phải đợi tắt lửa, khi nấu nướng phải cẩn trọng, lưu tâm, khi ra khỏi nhà phải tắt thiết bị điện và đặc biệc phải bảo dưỡng thiết bị điện theo định kỳ để phát hiện, thay thế kịp thời thiết bị hỏng hóc, chập cháy…”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy phân tích.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, nhiều người sử dụng thiết bị điện thường không quan tâm đến tuổi thọ của nó. Đây là sai lầm và cũng là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Chính vì quan niệm này và tin tưởng về sự bền bỉ của thiết bị điện trong gia đình, nên đã dẫn đến hậu quả xảy cháy.
Số vụ cháy có nguyên nhân do chập điện chiếm gần 70% số vụ cháy xảy ra hàng năm trên địa bàn Hà Nội và đều xuất phát từ ý thức chủ quan của con người. Đó là thiếu tuân thủ quy định PCCC, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị điện và quy định khoảng cách để các thiết bị điện với các vật dụng dễ bắt lửa như chăn, màn quần, áo… để xảy ra hỏa hoạn dẫn đến cháy lan, chán lớn.