Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy biến động. Cú đánh úp giảm 21 điểm trong phiên cuối tuần thổi bay mọi nỗ lực gượng dậy trước đó, VN-Index dừng chân ở mốc 1.247 điểm. Đáng chú ý , thanh khoản khớp lệnh phiên cuối tuần trên HOSE lập kỷ lục trong 7 tháng kéo khối lượng khớp lệnh bình quân tuần lên mức 25.400 tỷ đồng.
Việc chỉ số đảo chiều giảm điểm một cách đột ngột trong phiên cùng thanh khoản gia tăng đột biến, các chuyên gia đồng thuận cho rằng thị trường đã có đủ dấu hiệu của một phiên phân phối điển hình. Khả năng VN-Index đã bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn và rủi ro giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm cần được tính đến.
Tuy nhiên, xu hướng tăng của thị trường trong trung và dài hạn vẫn chưa bị phá vỡ và dòng tiền lớn vẫn đang dịch chuyển trong kênh chứng khoán. Do đó, đây vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn tích luỹ cổ phiếu.
VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Áp lực điều chỉnh mạnh của thị trường đến từ nhiều nguyên nhân (1) Áp lực chốt lời khi thị trường đã tăng trong 4 tháng liên tiếp trong khi chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào. (2) Tỷ giá có xu hướng tăng và gần đỉnh lịch sử, điều này tạo áp lực không nhỏ đến một số yếu tố cơ bản. (3) Khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian qua, tính chung khối ngoại bán ròng 10/12 tháng gần nhất và nếu đà bán ròng tiếp tục trong một thời gian dài có thể tạo áp lực không nhỏ lên toàn thị trường. (4) Dòng vốn đang rút khỏi các quỹ (những quỹ đầu tư vào Việt Nam, gồm quỹ active và passive (ETF) dòng vốn này rút ròng mạnh trong 3 tháng gần nhất. Ngoài ra, chuyên gia cho rằng tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi một số tin đồn không mấy tích cực.
Đánh giá về mức thanh khoản đột biến trong phiên cuối tuần, chuyên gia cho rằng theo phân tích kỹ thuật, phiên điều chỉnh mạnh kèm khối lượng gia tăng là tín hiệu về việc đảo chiều trong xu hướng. Với nhịp phân phối đã diễn ra, thị trường có thể sẽ bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý điều chỉnh trong ngắn hạn là nhịp điều chỉnh kỹ thuật không phải là điểm đảo chiều cho xu hướng trung và dài hạn. Chỉ số sẽ điều chỉnh không nhiều để tích lũy ở nền giá mới và sau đó tăng tiếp trong phần còn lại của năm 2024. Do đó, khả năng VN-Index sẽ điều chỉnh về quanh vùng 1.200 điểm, xác suất "thủng" ngưỡng này là rất thấp.
Với quan điểm thị trường sẽ bước vào nhịp điều chỉnh và sau đó tăng trưởng trở lại cho phần còn lại của năm, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tích lũy cổ phiếu trong danh mục để tìm kiếm lợi nhuận.
Với những nhóm nhà đầu tư khác nhau sẽ hành động khác nhau. Với nhà đầu tư cơ bản thì đây là cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu tốt cho những vị thế trung và dài hạn. Với nhà đầu tư ngắn hạn thì nên giảm tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn ở hiện tại. Chờ thị trường hình thành nền giá mới và giải ngân trở lại khi xuất hiện những tín hiệu tăng trưởng trở lại.
Rủi ro "thủng" mốc 1.200 điểm cần được tính đến
Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco
Trong bối cảnh thị trường đã ghi nhận một chuỗi tăng mạnh kể từ đầu năm, việc xuất hiện nhiều lo ngại khi tỷ giá diễn biến phức tạp, khối nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh liên tục bán ròng đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, dưới góc nhìn kỹ thuật, việc (1) VN-Index nhiều lần thất bại trong việc chinh phục ngưỡng cản quan trọng quanh 1.280 điểm và (2) RSI trên khung ngày xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm đã khiến cho phe bán dần trở nên mất kiên nhẫn và làm gia tăng áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần.
Việc chỉ số đảo chiều giảm điểm một cách đột ngột trong phiên cùng thanh khoản gia tăng đột biến cho thấy những dấu hiệu của một phiên phân phối điển hình. Đến cuối phiên, VN-Index đóng cửa tại ngưỡng thấp nhất trong phiên và hình thành mẫu nến Marubozu cho thấy rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang có phần lấn át. Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, chỉ số đã xuất hiện tới 5 phiên phân phối và điều này đang làm gia tăng rủi ro đảo chiều xu hướng trong trung hạn.
Về áp lực tỷ giá, theo quan sát của chuyên gia trong quá khứ, đà tăng mạnh của tỷ giá thường có những ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến của thị trường chứng khoán. Tỷ giá USD/VND đang được giao dịch quanh vùng đỉnh của năm 2023 và VND hiện đang mất giá tiếp khoảng 1,8% so với USD kể từ thời điểm đầu năm (một phần đến từ việc nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hồi phục). Trong bối cảnh thị trường chứng khoán với đại diện là chỉ số VN-Index đã tăng hơn 10% từ đầu năm, kết hợp yếu tố căng thẳng về tỷ giá có thể khiến áp lực chốt lời gia tăng đáng kể.
Mặc dù rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu, ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.230 (+-5) điểm, tương ứng với MA20 trên khung ngày, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý và chỉ số sẽ xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây. Mặc dù vậy, nếu chỉ số không sớm chinh phục thành công ngưỡng cản 1.250 điểm sau đó, rủi ro giảm điểm xuống dưới mốc 1.200 điểm cần phải được tính đến.
Đà giảm điểm của chỉ số trong tuần qua chủ yếu đến từ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn có sự điều chỉnh sau một giai đoạn tăng khá dốc. Do đó, chuyên gia Agriseco cho rằng "phân hóa" sẽ tiếp tục là diễn biến chủ đạo của thị trường trong tuần tới. Với xu hướng tăng điểm hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo trong trung hạn, các nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng tỷ trọng các vị thế trading ngắn hạn, ưu tiên các mã cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục và các cổ phiếu đang được giao dịch gần vùng nền giá tích lũy. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm hưng phấn và ưu tiên việc quản trị rủi ro cho danh mục lên hàng đầu trong kịch bản ngưỡng hỗ trợ đã đề cập bị phá vỡ.
Không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect
Quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/10 điểm) Áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-Index chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm "bất thành" trong phiên cuối tuần qua. Đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây, và dần lan rộng ra toàn thị trường. Lực bán càng gia tăng về cuối phiên ngày thứ sáu và kéo chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm.
Mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh, song chuyên gia VNDirect cho rằng nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo cổ phiếu. Thực tế, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ khi chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20. Bên cạnh đó, những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu.
Đáng chú ý, sau khi vượt vùng 24.700 đồng đổi 1 USD, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã lùi dần về vùng 24.650 đồng trong phiên cuối tuần. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại. Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/10 điểm). Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap).