Tài chính

Có ngân hàng lùi lịch tổ chức đại hội cổ đông thường niên

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Bình Định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) thông báo tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 27/4, lùi lại 1 ngày so với thông báo ban đầu nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị tổ chức. Địa điểm diễn ra đại hội tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội cũng được thay đổi từ ngày 26/3 sang ngày 27/3. Cùng với một số vấn đề thảo luận như phân phối lợi nhuận năm 2023; phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2022... Hội đồng quản trị Vietcombank còn phê duyệt bổ sung nội dung "Tờ trình về Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" vào danh sách nội dung dự kiến họp đại hội.

Với lịch tổ chức thay đổi như vậy, đại hội đồng cổ đông thường niên của Vietcombank sẽ diễn ra cùng ngày với 2 ngân hàng lớn khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG).

Trong đó, VietinBank sẽ tổ chức đại hội tại Hội trường trung tâm - Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank, thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Còn địa điểm tổ chức của BIDV là tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Danh sách cổ đông có quyền tham dự đại hội cùng được 2 ngân hàng chốt vào ngày 26/3.

Cũng lùi lịch tổ chức đại hội còn có Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB). Trong thông báo chính thức về kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. VIB cho biết đại hội sẽ diễn ra vào sáng thứ Ba, ngày 2/4, thay vì cuối tháng 3 như thông tin dự kiến ban đầu. Trước đó, ngân hàng này đã chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội vào ngày 26/2.

Đại hội được tổ chức tại phòng họp Grand Ballroomm, khách sạn InterContinental Sài Gòn, góc đường Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Thời gian đăng ký đại biểu từ 7h30 phút và khai mạc từ 8h.

Theo kế hoạch, VIB dự kiến trình cổ đông thông qua các tờ trình, báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2023 và kế hoạch kinh doanh năm 2024; phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2023; kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2024…

Mới đây, VIB vừa trở thành ngân hàng đầu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay khi quyết định chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%.

Tính đến nay, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB) là một trong những ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông thường niên sớm nhất, dự kiến vào ngày 29/3. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 28/2, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 27/2.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã chốt lịch tổ chức đại hội như Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) ngày 4/4; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) ngày 5/4; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Mã: MSB) ngày 10/4; Ngân hàng Quốc dân (NCB - Mã: NVB) ngày 13/4.

Trong nửa sau của tháng 4 còn có đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã: MBB) ngày 19/4; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB) ngày 25/4; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) ngày 26/4; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã LPB) ngày 27/4...

Bên cạnh các nội dung về kết quả kinh doanh năm 2023, định hướng mục tiêu năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận... thì kế hoạch tăng vốn tại một số ngân hàng đang được cổ đông quan tâm.

Như tại VietinBank, theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 vừa được thông qua, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng này năm 2022 là 16.442 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại của VietinBank sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi là 11.648 tỷ đồng. Theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Vốn điều lệ của VietinBank ở thời điểm hiện tại là 53.700 tỷ đồng. Nếu giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022, con số này sẽ tăng lên mức 65.300 tỷ đồng. Trước đó, VietinBank đã giữ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 để tăng vốn điều lệ lên mức 53.700 tỷ đồng.

Tương tự tại Vietcombank, theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Vietcombank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2022, là 21.680 tỷ đồng. Nếu hoàn thành việc phân phối lợi nhuận này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt hơn 77.571 tỷ đồng.

Trong khi đó, BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công. Hồi tháng 11/2019, Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã chi khoảng 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần tương ứng 15% vốn của BIDV, tương đương mức giá khoảng 33.650 đồng/cổ phiếu BID.

Theo giới chuyên gia, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song hệ số an toàn vốn (CAR) vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Do đó, các ngân hàng cần tăng cường nguồn vốn để chống chịu, hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn.

Một báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt dự báo dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ giúp củng cố nguồn vốn, mà còn mang đến kinh nghiệm quản trị, điều hành cho các ngân hàng trong nước, hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm