Đây là quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quy định được giới chuyên gia đánh giá là cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng về lâu về dài. Dù vậy, cũng có ý kiến lo ngại quy định mới sẽ làm gia tăng áp lực lên hoạt động của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn.
Cụ thể, lộ trình giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra hơn 3 năm qua. Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, trước khi giảm xuống mức 30% kể từ ngày hôm nay, tỷ lệ này đã giảm từ mức 40% xuống 37% từ ngày 1/10/2021 và giảm tiếp xuống 34% từ ngày 1/10/2022.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: động thái này nhằm đảm bảo tính an toàn về vốn tại các ngân hàng thương mại và đảm bảo các điều kiện cho vay phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Bởi khi đến hạn trả vốn huy động cho người góp vốn nhưng khoản vay chưa kết thúc sẽ khiến thanh khoản của ngân hàng trở nên căng thẳng, tác động xấu đến hoạt động của hệ thống ngân hàng", ông Thịnh phân tích.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy khoảng 88% vốn huy động hiện nay là ngắn hạn với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Trong khi đó, nhu cầu cho vay trung và dài hạn chiếm hơn 52% tổng dư nợ tín dụng VND. Riêng lĩnh vực bất động sản, có tới 94% dư nợ tín dụng là cho vay trung, dài hạn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần thiết phải giảm dần gánh nặng về vốn trung, dài hạn của ngân hàng thương mại, thay vào đó là các kênh huy động khác trong thị trường vốn, trong đó có trái phiếu.
Ở một góc độ khác, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá: trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ này sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài. Đồng thời, quy định mới gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).
Trên thực tế, tính đến tháng 7/2023, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% theo quy định áp dụng từ 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023. Tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần và 24,97% với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, cấu trúc vốn các kỳ hạn tại ngân hàng được định hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro. Do đó, ngân hàng đã sẵn sàng điều chỉnh cấu trúc huy động phù hợp với quy định mới về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Bên cạnh một số áp lực đã phân tích, KBSV cũng cho rằng trong dài hạn, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản. Đồng thời, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước và thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
"Hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng quy định mới của Thông tư 08/2020/TT-NHNN. Quy định này sẽ là một phần động lực cho các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn và tập trung phát hành kì hạn dài trong thời gian tới, bên cạnh động lực đến từ mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối so với thời điểm trước", KBSV đánh giá.
KBSV dẫn thống kê tại một số ngân hàng năm 2022 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới mức 30%, ngoại trừ Oceanbank với 32%. Ở một vài ngân hàng lớn, tỷ lệ này lần lượt là: Techcombank (29%), Agribank (25%), VietinBank (26%) và BIDV (22%).
Các ngân hàng như Vietcombank và HDBank (8%) thuộc nhóm ít các ngân hàng có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 10% và gần như không chịu ảnh hưởng từ lộ trình mới này.
Cập nhật đến ngày 30/9, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Họp báo Chính phủ thường kỳ cho biết, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, cùng thời điểm năm ngoái huy động đạt khoảng 7,68%. Về cho vay, tính đến ngày 21/9, tín dụng tăng 5,91%, đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022. Tín dụng tăng nhưng chậm hơn năm ngoái.
Phó Thống đốc kỳ vọng, tín dụng theo thông lệ sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Ngành ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cũng lưu ý: “Việc tiếp cận tín dụng cần nhìn nhận, đánh giá từ nhiều phía. Ngành ngân hàng đã rất quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp trong cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành. Thời gian tới, tiếp tục cần sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương và sự vươn lên của chính các doanh nghiệp”.