Dự án khai mở đầu tư ra nước ngoài
Tháng 2-2024 là tròn 15 năm Metfone khai trương mạng di động tại Campuchia. Nhân dịp này, Metfone là một trong số rất ít doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được trao tặng Huân chương Hoàng gia Monisaraphon- huân chương cao quý nhất dành cho thành tựu và hỗ trợ xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật, khoa học, xóa mù chữ hoặc công tác xã hội.
Đại diện cho Vương quốc Campuchia, Thống tướng Tea Seiha, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Hoàng gia đánh giá: "Metfone đã mang sự tự hào dân tộc và góp phần nâng cao vị thế của Campuchia trong khu vực và thế giới, trên lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Sự thành công, phát triển không ngừng của Metfone là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Campuchia và Việt Nam cũng như thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư viễn thông đến Campuchia".
Trước đó, tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
Đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương…, được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương Campuchia ghi nhận và đánh giá cao.
Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Việt Nam. Hiện có hơn 200 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD. Metfone là một "siêu dự án" tiên phong đầu tư vào Campuchia với số vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn… 1 triệu USD.
Sở dĩ báo chí quốc tế gọi Metfone là "siêu dự án" không chỉ bởi hiệu quả đầu tư của dự án mà còn bởi lợi ích nó mang lại cho cả hai bên Việt Nam - Campuchia.
Metfone chỉ mất 2 năm để từ vị trí thứ 8 vươn lên số 1, với 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng.Và chỉ mất 4 năm để hoàn vốn.
Đối với Campuchia, lũy kế tính đến năm 2023, Metfone đã nộp ngân sách Chính phủ Hoàng gia Campuchia hơn 1 tỷ USD, nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất tại quốc gia này Cùng với đó, Metfone cũng đã đóng góp hơn 120 triệu USD cho các hoạt động xã hội trên địa bàn.
Nhưng Metfone còn làm tốt hơn cả một dự án kinh tế mang lại lợi ích song phương. Đó là trở thành chiếc cầu nối hợp tác kinh tế hữu nghị, đoàn kết giữa hai quốc gia, dân tộc, đúng như cái tên của mình: Metfone - mạng của những người bạn.
Giải mã sự thành công của "phép thử" Metfone
Gần 20 năm trước, Viettel đã có một ước mơ lớn là đi ra nước ngoài.
Đi ra nước ngoài để được cạnh tranh, được học hỏi những công ty hàng đầu trên thế giới, để Viettel cạnh tranh hơn, để Viettel giỏi hơn. Đi ra nước ngoài để mang câu chuyện của Viettel ở Việt Nam ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài đầu tư cùng phát triển, để thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng, giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước từ xa. Metfone là khởi đầu của giấc mơ đó, cũng là "phép thử" để Viettel đầu tư tại 10 thị trường khác.
Thời điểm Metfone khai trương, tại Campuchia có 7 nhà mạng. Top 3 chiếm lĩnh thị phần bao gồm Cellcard (thuộc Mobitel của Tập đoàn Royal), Hello và Mfone.
Với chiến lược "hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau", Metfone nhanh chóng tăng trưởng dù mới bắt đầu kinh doanh nhờ vào việc phủ sóng toàn bộ 25 tỉnh thành, từ thành phố đến các vùng sâu vùng xa.
Điểm đặc biệt khiến Metfone nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Campuchia có lẽ là chiến lược "bình dân hóa dịch vụ viễn thông".
Thời điểm đó, dịch vụ viễn thông tại Campuchia là loại hàng hóa xa xỉ, chỉ dành cho người giàu. Viettel đã xác định, làm viễn thông phải làm cho tất cả mọi người, coi viễn thông giống cơm ăn, áo mặc.
"Quan điểm của Viettel là cam kết mang tất cả những gì tốt đẹp nhất mà chúng tôi có đến với các nước mình đầu tư, cả về mạng lưới, kinh doanh và hoạt động cộng đồng. Metfone đã thay đổi khái niệm về dịch vụ viễn thông không phải là 1 dịch vụ xa xỉ, chỉ dành cho người có thu nhập cao. Viễn thông là dành cho tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi, bất cứ lúc nào và giá phù hợp cho từng người", ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết.
Hình mẫu của đầu tư thành công
Ông Thắng đánh giá: Metfone đã góp phần xoá bỏ khoảng cách công nghệ giữa người giàu và người nghèo, giữa vùng nông thôn và thành thị để ngày hôm nay người dân Campuchia ở bất cứ nơi nào trên đất nước của mình đều được hưởng những công nghệ hàng đầu thế giới.
"Đó là lý do tại sao chúng tôi nhanh chóng xây dựng các đường cáp quang băng thông rộng. Đó là lý do tại sao chúng tôi không ngừng dành mọi nguồn lực có thể để đầu tư và kết nối thế giới với những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đó là lý do, Metfone đưa hạ tầng cáp quang đến 100% tỉnh thành, giúp Campuchia có vùng phủ sóng 4G thuộc loại tốt trong khu vực", ông Thắng chia sẻ.
Có lẽ chiến lược, mà đúng hơn là tinh thần "phải mang những gì tốt nhất của mình tới người dân Campuchia, là nhà mạng của Campuchia và làm lợi cho người dân tại đây" mới chính là yếu tố để Metfone nhanh chóng được người dân Campuchia tích cực đón chào, tin dùng sản phẩm, giúp nhà mạng này nhanh chóng trở thành nhà mạng số 1 Campuchia cho đến nay.
Từ thành công của hình mẫu Metfone, Viettel đã đầu tư thêm 10 thị trường khác với tổng quy mô thị trường 270 triệu dân với gần 100 triệu khách hàng. Bí quyết và bài học Metfone hẳn đã giúp Viettel nhanh chóng nắm vị trí số 1 về thị phần tại 6 thị trường Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, Burundi và Haiti.
Tại Lễ kỷ niệm 15 năm Metfone, ông Tào Đức Thắng chia sẻ: "Chúng ta đo sự thành công của mình không chỉ dựa trên con số doanh thu hay lợi nhuận. Chúng ta còn đo hiệu quả thông qua việc mình đã giải quyết được các vấn đề gì của xã hội".
Còn ông Tea Seiha động viên tinh thần đến Cán bộ công nhân viên Metfone, mong mỏi họ "tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt hơn, song hành cùng Chiến lược Ngũ giác giai đoạn 1 của Chính phủ nhiệm kỳ 7 của Quốc hội đã được đưa ra để phát triển kinh tế và xã hội số".