Trước đó, vào thời điểm ngày 26/2, vé máy bay nội địa ở mức cao dù đã hết kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Lúc bấy giờ, trung bình các chặng bay từ Hà Nội, Vinh (Nghệ An), Hải Phòng - TPHCM có giá một chiều neo ở mức từ 3,5 - 7 triệu đồng. Thậm chí, nếu bay nối chuyến, hành khách phải bỏ ra số tiền hơn chục triệu đồng/lượt.
Hiện nay, giá vé máy bay bắt đầu giảm nhiệt khi các chặng bay nội địa bước vào giai đoạn thấp điểm. Theo khảo sát ngày 11/3, vé đi một chiều trong ngày chặng Hà Nội - TPHCM chỉ ở mức từ 2,5 triệu đồng và còn nhiều chỗ trống.
Vietnam Airlines niêm yết giá vé khứ hồi cho chặng bay kể trên trong đợt cuối tuần từ ngày 15-17/3 chỉ ở mức 3,8 triệu đồng. Hai hãng bay Vietjet Air và Bamboo Airways lần lượt có giá vé 3,9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng.
Tương tự với các chặng Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh - TP HCM, vé khứ hồi các dịp cuối tuần từ giữa tháng 3 ở mức 3 triệu đồng. Chỉ mới 15 ngày trước, những đường bay này liên tục hết vé hoặc chỉ còn hạng thương gia dù du khách có nguyện vọng đặt trước cả tuần.
Đối với những chặng du lịch, giá vé khứ hồi từ Hà Nội - Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc đều ghi nhận giảm mạnh. Trong số đó, vé khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt lần lượt có giá từ 3,4 triệu đồng, 3,5 triệu đồng và 3,6 triệu đồng.
Việc giá vé máy bay giảm nhiệt đã kích thích nhu cầu du lịch trái mùa. Chị Liên - trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội - cho biết: "Vì giá vé máy bay rẻ giúp tôi và chồng quyết định có chuyến nghỉ Phú Quốc vào tuần cuối cùng của tháng 3 để tiết kiệm ngày nghỉ phép. Vé máy bay khứ hồi chỉ 3,5 triệu đồng/người, và tôi còn săn được combo ở resort 4 sao chỉ 3 triệu đồng cho 3 đêm. Theo tôi thấy thì chi phí như vậy quá hợp lý".
Trao đổi với một số đại lý, nguyên nhân việc giá vé máy bay giảm mạnh do thị trường nội địa bắt đầu bước vào giai đoạn thấp điểm. Theo dự kiến, trừ giai đoạn nghĩ lễ 30/4-1/5, trung bình giá vé máy bay đều phải chăng ở tất cả chặng nội địa. Tuy nhiên, giá vé sẽ tăng cao trở lại vào đợt cao điểm hè từ tháng 6 hằng năm.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng bay chủ động báo cáo kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung phương tiện bị thiếu hụt.
Trên thực tế, số lượng tàu bay của các doanh nghiệp biến động mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, việc nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thông báo về kế hoạch triệu hồi động cơ PW1100 ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 của các đội bay trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, bộ phận này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO do Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác. Điều đó sẽ làm cho các tàu bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng dừng khai thác 3 tàu bay Embraer E190 và đóng cửa các đường bay sử dụng phương tiện này bao gồm Hà Nội - Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TPHCM - Đồng Hới/Côn Đảo để thực hiện tái cơ cấu, cắt giảm chi phí vận hành. Đặc biệt, đường bay hút khách Hà Nội - Côn Đảo sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/4/2024.