Tài chính

Giá vàng tăng phi mã, còn cơ hội mua vàng SJC, vàng nhẫn lúc này?

TIN MỚI

Đến 12 giờ ngày 11-3, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 80 triệu đồng/lượng, bán ra 82 triệu đồng/lượng, ổn định so với buổi sáng. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng tới 6 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được công ty SJC đẩy lên 68,85 triệu đồng/lượng mua vào, 70,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 800.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Công ty Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội bán ra vàng nhẫn trơn lên tới 71,38 triệu đồng/lượng, mua vào cũng vượt 70 triệu đồng/lượng. 

Bất chấp giá vàng liên tục đi lên, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn tăng, nhất là đối với vàng nhẫn. Một số người cho biết mua vàng nhẫn với kỳ vọng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng mạnh thời gian tới. Đồng thời, giá vàng nhẫn cũng cách biệt so với giá thế giới thấp hơn so với vàng SJC.

Chẳng hạn, giá vàng thế giới đến trưa nay được giao dịch ở mức 2.181 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên cuối tuần, tương đương 65,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn gần 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC khoảng 16,8 triệu đồng/lượng. Cùng là vàng 99,99% nhưng giá vàng SJC đang cao hơn vàng nhẫn khoảng 10 triệu đồng.

Giá vàng tăng phi mã, còn cơ hội mua vàng SJC, vàng nhẫn lúc này?- Ảnh 1.

Giá vàng nhẫn lập đỉnh mọi thời đại ở vùng 70-71 triệu đồng/lượng

"Có nên mua vàng lúc này? Nếu mua thì mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC?" - chị Bích Thanh (ngụ quận 7, TP HCM) băn khoăn.

Không chỉ chị Thanh, nhiều người cho biết đã trót bán vàng nhẫn từ vùng 60 triệu đồng/lượng; bán ra miếng SJC từ vùng 70-73 triệu đồng/lượng và đến giờ băn khoăn không biết có nên mua vào khi giá liên tục lập đỉnh mới…

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích có thể thấy rất rõ xu hướng tăng của vàng đang tiếp tục khi những dự báo giá vàng có thể vượt qua vùng 2.100 USD/ounce hoặc 2.175 USD/ounce vừa qua đều đã bị kim loại quý này chinh phục.

Giá vàng đã tăng hơn 100 USD/ounce chỉ trong một tuần, khi số liệu kinh tế Mỹ công bố kém lạc quan khiến thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Những thông tin này khiến chỉ số đồng USD giảm mạnh, lợi suất trái phiếu Mỹ cũng đi xuống.

Đồng thời, nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh khi không chỉ ngân hàng trung ương các nước mà nhu cầu vàng từ các tổ chức tài chính quốc tế cũng duy trì ở mức cao.

"Xung đột địa chính trị vẫn căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhu cầu mua vàng như tài sản trú ẩn của nhà đầu tư tăng, hỗ trợ giá vàng còn dư địa đi lên. Dù vậy, người mua vàng lúc này cần cẩn trọng vì giá vàng đã tăng quá nóng và có thể xuất hiện áp lực chốt lời mạnh mẽ. Giá vàng về dài hạn là đi lên nhưng trong ngắn hạn có thể điều chỉnh giảm" - ông Trần Duy Phương nói.

Với giá vàng trong nước, cả vàng SJC lẫn vàng nhẫn đều đã tăng rất cao nên khả năng điều chỉnh giảm là có thể trong trường hợp giá vàng thế giới lao dốc.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Công ty vàng Đối tác mới NPJ, cũng cho rằng tâm lý của nhà đầu tư trong nước là lo ngại vàng sẽ còn tăng tiếp nên vẫn muốn mua vào. Nếu nhìn ở tầm nhìn dài hạn nhiều năm, có thể mua vàng nhẫn, còn trong ngắn hạn thì giá vàng đã tăng nóng liên tục nên áp lực điều chỉnh là có. Chưa kể, giá vàng thế giới lập đỉnh mọi thời đại với tâm lý kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất nhưng thị trường đã phản ứng với thông tin này thời gian qua nên xét ở góc độ phản ứng với thông tin tốt thì kỳ vọng không nhiều.

"Cần quan sát để xác định xu hướng trong ngắn hạn và chọn thời điểm mua vào vàng. Nhìn thấy giá vàng SJC tăng cao nhưng nếu tính từ vùng 78 triệu đồng tăng lên 82 triệu đồng/lượng, mức tăng chỉ khoảng hơn 5%.

Trước đợt tăng giá này trong vòng 10 năm qua, giá vàng mới chỉ tăng khoảng 100% - trong khi nhiều tài sản, kênh đầu tư khác có mức tăng cao hơn nhiều. Vàng cốt lõi là tài sản đầu tư và tích trữ an toàn. Do đó, nhà đầu tư nên phân tích dài hạn để quyết định" - ông Trọng nói.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm