Tăng 45% qua 4 tháng
Ngày 6.5, giá vàng trong nước biến động không ngừng theo xu hướng tăng trước giảm sau. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng vọt giá vàng miếng SJC 3 triệu đồng mỗi lượng đầu ngày, sau đó tăng thêm 500.000 đồng trước khi điều chỉnh giảm. Cuối giờ chiều 6.5, giá mua vàng miếng SJC ở mức 120,2 triệu đồng, bán ra 122,2 triệu đồng. Tương tự, giá vàng nhẫn 4 số 9 cũng tăng 2 triệu đồng/lượng, Công ty SJC mua vào lên 115,5 triệu đồng, bán ra 118,1 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 117,5 triệu đồng, bán ra 120,5 triệu đồng…
Giá vàng trong nước tăng theo kim loại quý thế giới. Vàng thế giới đã tăng thêm 40 USD/ounce (tương đương 1,2%), lên 3.373 USD/ounce. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp vàng tăng giá với tổng mức đi lên 130 USD/ounce. Dù vậy, so với mức đỉnh đạt được vào ngày 22.4 thì vàng thế giới hiện nay đang thấp hơn 130 USD/ounce (tương đương 4 triệu đồng/lượng).
So với đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng tổng cộng 760 USD/ounce, tương ứng 28,76%. Vàng trong nước có tốc độ tăng nhanh hơn khi thêm 38 triệu đồng mỗi lượng, tương ứng 45%. Tốc độ tăng nhanh hơn khiến vàng miếng SJC cao hơn 16,5 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn từ 11,8 - 14,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới đến 16,5 triệu đồng/lượng
ẢNH: NGỌC THẮNG
Nhìn lại từ năm 2020 đến nay, giá vàng tăng trưởng mạnh. Tại VN, giá vàng từ mức 55 triệu đồng/lượng vào năm 2020 đã đạt đỉnh 124 triệu đồng/lượng vào tháng 4.2025, tăng 69 triệu đồng/lượng, tức tăng 125%. Tương ứng, thị trường vàng thế giới cũng ghi nhận mức tăng từ 1.895 USD/ounce lên gần 3.500 USD/ounce, tăng 1.605 USD/ounce, tương đương tăng gần 85%.
Tuy nhiên, xem lại lịch sử giá vàng, sau nhiều năm tăng mạnh sẽ kéo dài chuỗi ngày đi xuống. Cụ thể, năm 2011, giá vàng trong nước tăng 39%, đây là năm đầu tiên vàng lập đỉnh ở mức giá gần 49 triệu đồng/lượng. Năm 2012, giá vàng vẫn ghi nhận mức tăng thêm 7,8%. Qua 2 năm sốt vàng, năm 2013 giá vàng giảm 26%, mất khoảng 12 triệu đồng/lượng, có lúc xuống 35 triệu đồng/lượng. Đến năm 2019, vàng kết thúc nhiều năm ổn định, giảm giá và chính thức bứt phá tăng 16% so với cuối năm 2018, lên mức cao nhất 43 triệu đồng/lượng. Liệu rằng lịch sử vàng có lặp lại?
Một yếu tố khác cho thấy giá vàng thế giới đang tăng gấp đôi so với chi phí sản xuất kim loại quý. Mới đây, nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới - Tập đoàn Newmont (Mỹ) công bố tổng chi phí sản xuất vàng đã đạt mức 1.651 USD/ounce trong quý đầu tiên, tăng hơn 13% so với quý trước đó và là mức cao nhất ghi nhận được kể từ năm 2016.
Bong bóng vàng?
TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) nhận định, giá vàng hiện nay đúng là đang ở mức cao nhất lịch sử nhưng chưa hình thành bong bóng. Bởi bong bóng hàng hóa hình thành khi nhu cầu trên thị trường chững lại mà giá cứ tiếp tục đẩy lên cao. Còn hiện nay, nhu cầu vàng trên thế giới vẫn rất cao, trong nước cũng xuất hiện lực mua nhưng không đủ nguồn cung ứng.
Theo TS Hiếu, giá vàng hiện nay biến động trong bối cảnh toàn cầu chứng kiến những "hỗn loạn". Đó là căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có hướng giải quyết, nội bộ chính quyền Mỹ mâu thuẫn, cũng như căng thẳng thương mại toàn cầu… "Giá vàng trong nước cũng bị ảnh hưởng theo và dự báo sắp tới không có mức trần. Dù vậy, không có gì chắc chắn giá tăng lên hoài mà không xuống. Trường hợp nhà đầu tư chốt lời thì giá có thể đột ngột quay đầu. Đây là điều mà những người muốn nắm vàng hay đang sở hữu vàng cần cân nhắc", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cũng cho rằng: Giá vàng hiện nay đang ở mức cao nhất trong lịch sử nhưng chưa thấy dấu hiệu bong bóng. "Giá vàng giao dịch hiện nay cao hơn gấp đôi chi phí sản xuất. Mỏ vàng ở các nước có mức phí sản xuất khác nhau nhưng nếu giá đi xuống dưới 2.000 USD/ounce thì các công ty sản xuất vàng sẽ ngưng. Năm 2024, các công ty sản xuất vàng trên thế giới đã đưa ra sản lượng 3.300 tấn vàng, trong đó Trung Quốc là nước có sản lượng cao nhất với 380 tấn, sau đó đến Nga 310 tấn, Úc 290 tấn… Sản lượng vàng cung ứng ra thị trường tăng so với những năm trước nhưng giá vàng vẫn đi lên vì nhiều yếu tố.
Chẳng hạn, trữ lượng vàng thế giới là nhất định, trong khi nhu cầu vàng lại tăng đột biến gần đây. Ngoài ngân hàng trung ương các nước mua vàng, tăng cường dự trữ thì nhu cầu đầu tư vào vàng qua các quỹ đầu tư cũng gia tăng. Trong khi căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và các nước, đặc biệt là với Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết thì căng thẳng địa chính trị diễn ra giữa Nga - Ukraine, Ấn Độ và Pakistan… lại diễn ra. Những yếu tố này khiến giá vàng khó giảm được. Khi nào các yếu tố này mất đi thì vàng mới mất đà hỗ trợ và đi xuống. Tuy nhiên, kinh nghiệm là khi giá đi xuống thì cũng từ từ trong nhiều năm chứ không đột ngột giảm mạnh như các kênh khác", ông Khánh phân tích.
Đối với giá vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới trên 16 triệu đồng/lượng, ông Huỳnh Trung Khánh đánh giá mức này là vô lý, tương đương cao hơn giá thế giới đến 500 USD/ounce. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã nắm thông tin này, nguyên nhân một phần xuất phát từ nguồn cung trên thị trường hạn hẹp. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán vàng ra thị trường nên mức chênh lệch giá trong và ngoài nước được rút ngắn. Trong trường hợp nhà điều hành có thực hiện can thiệp thị trường như năm 2024, kéo mức chênh lệch từ 16 - 17 triệu đồng/lượng như hiện nay xuống 3 - 5 triệu đồng/lượng thì người nắm giữ vàng cũng đã gánh chịu mức lỗ lớn. Đó là rủi ro mà người dân phải tính nếu cứ đu theo vàng.
Ngân hàng Nhà nước nêu nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao
Tại báo cáo Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nguyên nhân giá vàng miếng SJC trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng thế giới và chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao từ đầu tháng 4. Theo nhà điều hành, chủ yếu do tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Cũng như lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.
Ngoài ra, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp thị trường. Ngoài các nguyên nhân trên, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.