Sáng 1-4, Vietcombank báo giá mỗi USD mua vào 24.640 đồng, bán ra 24.980 đồn, tăng thêm 10 đồng sau khi tăng tới 170 đồng trong tháng 3.
Eximbank niêm yết giá USD ở mức 24.660 đồng/USD mua vào, 24.970 đồng/USD bán ra. Trong khi đó, Sacombank bán ra USD bằng hình thức chuyển khoản chỉ 24.960 đồng/USD nhưng bán bằng tiền mặt lên tới 25.000 đồng.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá USD ở các ngân hàng đã tăng gần 500 đồng, tương đương mức tăng gần 2%.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.004 đồng/USD, tăng nhẹ so với cuối tuần trước. Tỉ giá trung tâm đã chính thức lấy lại mốc 24.000 đồng từ cuối tháng 3.
Đáng chú ý, diễn biến của giá USD ở các ngân hàng lại ngược với thị trường tự do. Sáng nay, một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP HCM báo giá USD mua vào 25.380 đồng/USD, bán ra 25.460 đồng/USD, giảm khoảng 20 đồng so với hôm qua. Mức giá này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 25.700 đồng thiết lập hồi đầu tháng 3.
Theo giới phân tích, giá USD tự do giảm khả năng do diễn biến mới trên thị trường vàng khi thông tin gần nhất liên quan đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bỏ độc quyền vàng miếng thương hiệu SJC và cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng áp lực tỉ giá vẫn còn hiện hữu trong ngắn hạn. Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 3-2024 của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho thấy tỉ giá trong nước vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt và liên tục đạt mức đỉnh mới.
"Tỉ giá vẫn liên tục xô đổ các kỷ lục do những áp lực trong nước như giá vàng trong nước vẫn chưa cho thấy chiều hướng giảm và thế giới là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD-VNĐ tiếp tục bị kéo dài" - bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích MBS nói.
Dù vậy, các chuyên gia của MBS dự báo áp lực tỉ giá sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới. Dự đoán tỉ giá sẽ dao động trong khoảng 24.400 - 24.600 đồng/USD nhờ những yếu tố tích cực.
Đơn cử, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng. Giới đầu tư đang kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm nay với khoảng 85 điểm cơ bản và điều này sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ, góp phần hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch tỉ giá và giảm áp lực mất giá đối với VNĐ.
Ngoài ra, những yếu tố vĩ mô tích cực như thặng dư thương mại lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 8 tỉ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước); dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt; dòng vốn FDI thực hiện tăng 7,1% và du lịch phục hồi mạnh mẽ...