Mặc dù phần lớn ca bệnh liên quan đến thói quen hút thuốc, những năm gần đây, tỉ lệ ung thư phổi ở người không hút thuốc – đặc biệt là phụ nữ và người trẻ – có xu hướng gia tăng. Ô nhiễm không khí, khói thuốc thụ động, khói bếp than tổ ong… là các yếu tố nguy cơ đang bị xem nhẹ.
Ngày 10/4 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư – Viện Ung thư Quốc gia tổ chức hội thảo chuyên đề “Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia nhấn mạnh: “Ung thư phổi là nguyên nhân tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan. Việc xây dựng một chương trình sàng lọc toàn diện và hệ thống quản lí bệnh hiệu quả là yêu cầu cấp thiết”.
Trong khi nhiều nước đã có chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn quốc, tại Việt Nam hiện chưa có hệ thống sàng lọc diện rộng hay chính sách tầm soát theo nhóm nguy cơ. Thực trạng này đang khiến hàng ngàn sinh mạng mất đi mỗi năm vì không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Đã đến lúc xây dựng một chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia, kết hợp ghi nhận dữ liệu bệnh nhân, chuẩn hóa quy trình chuyên môn và nâng cao nhận thức cộng đồng – nếu không muốn tiếp tục “mất trắng” trước một trong những bệnh lí ung thư nguy hiểm nhất hiện nay.
Bài học từ quốc tế
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế chia sẻ nhiều kinh nghiệm mang tính thực tiễn cao. Trong đó, mô hình TALENT tại Đài Loan – do GS.TS. Pan-Chyr Yang giới thiệu – được đánh giá là hình mẫu cho các nước đang phát triển học hỏi. TALENT cho phép phát hiện tới 90% ung thư phổi giai đoạn 0–I ở nhóm không hút thuốc, đồng thời góp phần thay đổi chính sách y tế của quốc đảo này.
Trong khi đó, GS.TS. Kim Yeol (Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình sàng lọc quy mô quốc gia với hệ thống kiểm soát chất lượng và kết nối dữ liệu xuyên suốt từ ghi nhận đến điều trị. Đây là yếu tố then chốt giúp Hàn Quốc giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do ung thư phổi trong một thập kỷ qua.
Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định việc sàng lọc ung thư phổi còn gặp nhiều rào cản, từ nhận thức cộng đồng, khả năng tiếp cận dịch vụ, đến năng lực tổ chức tại tuyến cơ sở. PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương – Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia chỉ rõ: “Ở nhiều địa phương, người dân còn mơ hồ về ung thư phổi, thậm chí ngần ngại khám sàng lọc do lo ngại chi phí. Trong khi đó, nguồn lực tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, chưa đủ điều kiện triển khai sàng lọc hiệu quả”.
TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: “Chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia phải là một chiến lược dài hơi, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, chuẩn hóa chuyên môn, kiểm soát chất lượng và tận dụng dữ liệu ghi nhận ung thư để nâng cao hiệu quả”.
Ở góc độ phòng bệnh, TS. Nguyễn Minh Hằng – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh vai trò kết nối dữ liệu bệnh không lây nhiễm với hệ thống ghi nhận ung thư, từ đó đánh giá hiệu quả chính sách và điều chỉnh kịp thời trên cơ sở bằng chứng.
Khởi động nghiên cứu ghi nhận ung thư phổi toàn quốc
Một điểm nhấn quan trọng tại hội thảo là lễ công bố khởi động nghiên cứu “Ghi nhận ung thư phổi: Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và sống thêm của người bệnh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030”. Nghiên cứu do GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K và PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương đồng chủ nhiệm, với sự tham gia của 8 bệnh viện lớn trên cả nước, bao gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với sự hỗ trợ từ AstraZeneca Việt Nam.
![]() |
GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ tại hội thảo ngày 11/4. |
Bà Văn Thị Thu Sương – Giám đốc Y khoa, Công ty TNHH AstraZeneca – cho biết: “Bên cạnh các giải pháp điều trị tiên tiến, chúng tôi chú trọng hỗ trợ Bộ Y tế và các cơ sở y tế trong việc xây dựng hệ thống ghi nhận bệnh tật hiệu quả. Việc đồng hành cùng nghiên cứu ghi nhận ung thư phổi là cam kết lâu dài, góp phần cải thiện chất lượng dữ liệu và hỗ trợ hoạch định chính sách y tế”.
Hướng tới chiến lược quốc gia
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, các chuyên gia thống nhất rằng: để xây dựng một chương trình sàng lọc ung thư phổi bền vững, Việt Nam cần triển khai thí điểm tại một số địa phương, thiết lập quy trình sàng lọc thống nhất, đồng bộ hóa dữ liệu và tăng cường truyền thông cộng đồng.
Cùng với đó là việc nâng cao năng lực tuyến cơ sở, mở rộng bảo hiểm y tế cho dịch vụ sàng lọc và thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chuyên môn, cơ quan quản lý và doanh nghiệp được xem là yếu tố quyết định để hiện thực hóa mục tiêu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và giảm tỉ lệ tử vong do ung thư phổi trong tương lai gần.