Cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa thông tin tới báo chí về việc phát hiện, bắt giữ một số vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó chủ yếu liên quan tới mặt hàng kim loại nghi là vàng.

Tang vật trong vụ việc ngày 18.4 tại sân bay Nội Bài
ẢNH: HQ
Khoảng 15 giờ 20 ngày 18.4, Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài chủ trì cùng các đơn vị chức năng, nghiệp vụ của Cục Hải quan, Công an TP.Hà Nội phối hợp kiểm soát thông qua các biện pháp nghiệp vụ, phân tích hình ảnh soi chiếu hành lý, rà soát bằng máy quét kim loại trên người của nam hành khách HUANG CHAO-TSUN, quốc tịch Đài Loan, nhập cảnh trên chuyến bay VJ941 từ Đài Loan về Nội Bài.
Kết quả phát hiện người này cất giấu theo người 1 miếng kim loại hình chữ nhật, màu vàng, khối lượng khoảng 1 kg, không khai báo hải quan khi nhập cảnh Việt Nam.
Trước đó, ngày 10.4, tại sân bay quốc tế Nội Bài, các lực lượng chức năng cũng phát hiện nữ hành khách LOU JIAQI, quốc tịch Trung Quốc, vận chuyển 2 miếng kim loại nghi là vàng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đối tượng còn có hành vi phủ lớp bạc bên ngoài 2 miếng kim loại nghi là vàng hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Cơ quan hải quan đã bàn giao 2 hành khách cùng tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới buôn lậu vàng, theo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lúc 11 giờ ngày 17.4, lực lượng chức năng phát hiện Phạm Thị Vân Anh (41 tuổi, trú tại P.Trà Cổ, TP.Móng Cái, Quảng Ninh) có hành vi cất giấu 4 thỏi kim loại màu vàng (nghi là vàng) trên người mà không khai báo với hải quan khi nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Qua kiểm tra, các thỏi kim loại đều có ký hiệu Au 999,9, tổng trọng lượng 4 kg. Sau khi trưng cầu giám định, số vật chứng nêu trên được xác định là vàng thật.
Chênh lệch giá quá cao tăng nguy cơ buôn lậu vàng
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý đầu năm nay, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vàng… qua biên giới các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.

Hơn 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước tăng vọt
ẢNH: ĐAN THANH
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia cũng nổi lên hoạt động buôn lậu, trốn thuế, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, mỹ phẩm, vàng, ngoại tệ… qua biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Về phương thức, thủ đoạn, nhiều đối tượng đã lợi dụng loại hình bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng xách tay, quà biếu, tặng, hành lý ký gửi và lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng gọn nhẹ dễ vận chuyển, có giá trị cao như: tiền, ngoại tệ, vàng, kim cương...
Suốt từ đầu năm tới nay, giá vàng biến động dữ dội. Trong vòng 1 tuần trở lại đây (từ 16 - 22.4), giá vàng trong nước tăng mạnh, kéo giãn khoảng cách với giá vàng thế giới.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC đã tăng lần lượt từ 105,5 triệu đồng/lượng và 108 triệu đồng/lượng lên mức 122 triệu đồng/lượng và 124 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC hiện đắt hơn giá vàng thế giới khoảng gần 13 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức quá cao như hiện tại, nhà đầu tư "xuống tiền" mua vàng sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Điều đáng chú ý là, tình trạng chênh lệch giá nếu ngày càng được đẩy lên cao, kéo dài có thể gây ra rất nhiều hệ lụy khó lường. Điển hình là gia tăng buôn lậu vàng, gây "chảy máu" ngoại tệ; gia tăng lừa đảo, nạn vàng giả… Ngân hàng Nhà nước cần có sự can thiệp, xử lý kịp thời, phù hợp.