Sẽ cấp định danh cho cả người nước ngoài
Tại tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 22.4, thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an), đã chia sẻ nhiều tính năng và thông tin hữu ích liên quan đến VNeID.
Thiếu tá Hiển cho hay, ngay từ giai đoạn đầu Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư hình thành, đơn vị đã tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu này để giải quyết các bài toán số hóa hộ khẩu giấy và mọi thông tin của người dân sẽ nằm trong hệ thống.

Thiếu tá Trần Duy Hiển chia sẻ tại buổi tọa đàm
ẢNH: DANH KHANG
Sau khi thu thập được hơn 104 triệu dữ liệu người dân và cấp số định danh, C06 triển khai chiến dịch phủ thẻ căn cước công dân gắn chip và định danh điện tử cho người dân. Với mục tiêu Chính phủ số, xã hội số, công dân số, C06 tiếp tục tham mưu và cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân để tham gia môi trường số qua ứng dụng VNeID và cổng dịch vụ công.
Đến nay, C03 đã cấp và kích hoạt hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân; tỷ lệ người dùng VNeID trung bình từ 3 - 6 triệu/ngày.
Theo thiếu tá Hiển, từ 1.7 tới, các cơ quan, tổ chức khi thực hiện thao tác trên môi trường số cũng cần có tài khoản định danh như người dân bình thường. Do vậy, C06 đến nay đã cấp hơn 292 triệu tài khoản định danh cho diện này trên VNeID.
Ngoài ra, dự kiến từ 1.7, C06 sẽ triển khai cấp tài khoản định danh cho cả cá nhân, tổ chức, người nước ngoài.
Đặt an toàn lên hàng đầu
Thiếu tá Hiển cho biết, VNeID là ứng dụng toàn dân, mọi người đều có thể sử dụng, do vậy, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến tiện lợi.
Ngoài những thông tin C06 chủ động tích hợp trên ứng dụng, người dân có thể chủ động yêu cầu tích hợp những giấy tờ cá nhân của mình bằng hình thức tự nguyện. Ngoài ra, người dân cũng có thể hủy yêu cầu tích hợp và biết những thông tin tích hợp đó để làm gì.



Khách mời trao đổi những vấn đề xoay quanh việc kết nối VNeID an toàn và tiện lợi tại tọa đàm
ẢNH: DANH KHANG
Đã có 12 ngân hàng hoàn tất kết nối với cơ sở dữ liệu, nhưng không có chuyện C06 chủ động khai thác dữ liệu chuyển cho ngân hàng, mà ngược lại ngân hàng phải gửi yêu cầu. Song, C06 vẫn hỏi người dân thông qua VNeID xem có đồng ý chia sẻ không.
Đến nay, ứng dụng VNeID đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Ngoài việc xuất trình những giấy tờ liên quan hợp pháp, người dân có thể mua thuốc trên ứng dụng…
Định hướng sắp tới, sẽ triển khai một số tiện ích phục vụ Đại hội Đảng trên nền tảng VNeID gồm phần mềm theo dõi tiến trình đại hội, góp ý văn kiện đại hội, tích hợp với sổ tay đảng viên, phản ánh kiến nghị, tố giác trên VNeID... Qua đó, phục vụ tốt hơn công tác chuyển đổi số trong cơ quan Đảng và minh bạch các hoạt động phục vụ Đại hội Đảng.
Về vấn đề thay đổi địa giới hành chính, việc cập nhật thông tin mới sẽ được C06 làm ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính và tất cả sẽ được làm trên phần mềm.
Việc cập nhật này sẽ phụ thuộc vào thống kê vì liên quan đến mã các địa giới hành chính và các tên gọi được quy định. Sau khi có những thông tin này, C06 sẽ phối hợp với công an địa phương cập nhật ngay.
Yêu cầu gỡ hàng nghìn sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm chức năng
Tại tọa đàm, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế, Bộ Công thương), nhấn mạnh sự cần thiết xác thực điện tử người bán trên các nền tảng thương mại điện tử.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử
ẢNH: DANH KHANG
Theo bà Hà, thời gian qua, có những sự việc bán hàng, sản phẩm không đảm bảo an toàn chất lượng trên các nền tảng số như loạt sữa giả, kẹo giả vừa bị phanh phui. Khi nhận được thông tin, Cục Thương mại điện tử và kinh tế đã yêu cầu các nền tảng số lớn về thương mại điện tử, nền tảng số trung gian gỡ bỏ hàng nghìn sản phẩm bao gồm thực phẩm chức năng, sữa.
Ngay trong ngày 21.4, Cục Thương mại điện tử và kinh tế cũng yêu cầu một số nền tảng thuốc tháo gỡ tất cả những sản phẩm bán lẻ về thuốc kê đơn. Song, bà Hà vẫn nhìn nhận hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan nên cần có những biện pháp nghiệp vụ để xử lý được triệt để và việc định danh trên môi trường thương mại điện tử là cần thiết.
Khi được định danh, có những người bán hàng tin cậy thì niềm tin của người tiêu dùng sẽ được nâng cao. Cạnh đó, việc kiểm soát thông tin người bán cũng dễ dàng hơn, thậm chí khi phát hiện hàng giả, hàng nhái có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin và tháo gỡ sản phẩm, hàng hóa trên gian hàng điện tử.
"Khi có VNeID, những quy định cụ thể và luật hóa thì việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ minh bạch hơn", bà Hà nói và đề xuất vấn đề định danh người bán trên môi trường thương mại điện tử thời gian tới là cần thiết.