Diễn biến giá lúa gạo thị trường trong nước đang trong xu hướng giảm, tính từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch (15/2) đến hôm nay giá lúa giảm 1.000 đồng/kg, tương đương 2.000 đồng/kg gạo. Giá lúa giảm mạnh thương lái chịu mất cọc, còn những doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo trước Tết đều có lời.
Giá lúa trên đà giảm
Trên thị trường gạo, ngày 20/2, giá gạo các loại tiếp tục đà giảm 100 – 200 đồng/kg so với ngày 19/2. Tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp gạo về nhiều song các kho chỉ mua cầm chừng, giao dịch chậm, giá giảm.
Cụ thể, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM18, DT8 ở mức 12.900 – 13.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM5451 dao động quanh mức 12.00 - 12.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Theo AgroMonitor, diễn biến thị trường trong nước ngày 21/2 khác với hôm qua (20/2). Nếu sáng hôm qua ghe gạo về tấp nập thì sáng sớm hôm nay, dọc bến sông Sa Đéc khá vắng vẻ do các ghe gạo về ít, bạn hàng ngưng đi bán. Chỉ còn số ít ghe nhỏ chạy đi bán. Các kho mua chậm, chờ quan sát thị trường mới mua vào.
Cập nhật lúc 8 giờ 40 phút sáng ngày 21/2, giá lúa các loại giảm tiếp 100 đồng/kg so với lúc sáng sớm khiến thương lái đồng loạt bỏ cọc, còn nông dân chủ động chào bán lúa rất nhiều, đặc biệt, với lúa đã thu hoạch lên hoặc lúa chín vàng chưa có người mua. Thương lái không ai dám mua. Một số thương lái đi xem lúa giá thấp để mua giao hợp đồng đã ký, còn đối với lúa đã cọc giá cao trước đó thì họ bỏ cọc.
Ông Trần Quốc Phương, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hiệp Tài cho biết, thật sự không hiểu lý do tại sao giá lúa lại giảm nhanh như vậy, chỉ mới hôm qua đến hôm nay đã sụt từ 200 - 300 đồng/kg.
Nếu tính từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán đến nay, giá lúa đã sụt 1.000 đồng/kg, tương đương 2.000 đồng kg/gạo. Trước đó, giá gạo nguyên liệu các loại như DT8, OM5451, OM18 khoảng 15.500 đồng/kg bây giờ chỉ còn khoảng 13.500 đồng/kg. Chính vì giá gạo giảm mạnh nên giá lúa trên đồng cũng bị giảm theo, dẫn đến thương lái bỏ cọc không cân lúa cho nông dân, vì nếu họ mua vào biết chắc bị lỗ.
Giá lúa giảm hầu hết doanh nghiệp ký hợp đồng trước Tết Nguyên đán và các doanh nghiệp thắng thầu Bulog đều có lời
Thông thường giá lúa gạo trên thị trường nội địa sụt do đầu ra xuất khẩu không có, tuy nhiên, hiện nay đầu ra vẫn nhiều vì Việt Nam vừa trúng thầu gạo Bulog gần 400.000 tấn, đang giao trong tháng 2 và tháng 3. Bên cạnh đó, có rất nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo cho thương nhân nước ngoài.
“Đây là lần đầu tiên tôi thấy giá lúa giảm nhanh và mạnh như vậy, dù thị trường vẫn có đầu ra, nếu hỏi tại sao giá lúa gạo giảm nhanh, tôi thật sự không hiểu được. Có thể do hiện tượng “tâm lý” thấy giá lúa gạo đang giảm có thể sẽ còn giảm tiếp nên mọi người có tâm lý hoang mang không dám mua vào”, ông Phương nói.
Hầu hết các nhà kho, nhà cung ứng và doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đều trong trạng thái chờ tín hiệu thị trường, trong khi lúa Đông Xuân đang thu hoạch lượng lúa hàng hóa về liên tục dẫn nguồn hàng bị dư thừa, càng khiến cho giá lúa giảm nhanh và mạnh. Tuy nhiên theo ông Phương, tình hình này có lẽ sẽ chỉ kéo dài khoảng 10 hay 15 ngày, vì khi lúa Đông Xuân dần về cuối vụ lượng lúa hàng hóa không còn nhiều, giá lúa sẽ bật tăng trở lại.
Ông Phương cho biết thêm, vào cuối tháng 1/2024, sau khi doanh nghiệp Việt Nam thắng áp đảo các gói thầu Bulog, thương nhân nước ngoài nghĩ rằng, sau thầu Bulog giá gạo Việt Nam sẽ tăng và tăng cho đến hết tháng 2/2024, vì vậy họ đã tăng cường ký hợp đồng mua gạo với doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay giá lúa giảm khiến bà con nông dân lo lắng nhưng với mức giá lúa này hầu hết doanh nghiệp ký hợp đồng trước Tết Nguyên đán và các doanh nghiệp thắng thầu Bulog đều có lời lớn và lời hơn cả doanh nghiệp Thái Lan, do họ không trúng thầu Bulog nhiều.
Hiện nay Công ty Hiệp Tài vẫn tiếp tục giao hàng cho các hợp đồng đã ký cuối năm 2023 và tháng 1/2024 - tức là vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán, lúc đó giá gạo xuất khẩu vẫn còn cao, không chỉ riêng Hiệp Tài mà hầu hết các doanh nghiệp khác cũng đều ký hợp đồng bán gạo với giá cao.
Dẫn nguồn Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 20/2, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đồng loạt giảm giá so với ngày 19/2. Cụ thể, gạo 5% tấm Việt Nam chào bán ở mức 628 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn; gạo 5% tấm của Thái lan đang chào bán giá 614 USD/tấn (FOB), giảm 9 USD/tấn, gạo 5% tấm Pakistan chào giá 613 USD/tấn (FOB), giảm 6 USD/tấn.