Mỗi sáng, ông Bill Stovall thức dậy lúc 8h30. Việc đầu tiên của ông là trò chuyện với tro cốt người vợ trong chiếc bình màu hồng đặt trên lò sưởi. "Chào buổi sáng. Anh nhớ và yêu em. Anh hy vọng em sẽ có một ngày tốt lành", ông Stovall nói.
Bill Stovall đã 100 tuổi, trải qua nhiều sóng gió cuộc đời. Vợ ông, bà Martha mất năm 2022. Bạn bè hầu như không ai còn sống. Stovall từng mắc ung thư ruột kết và ung thư da, hiện tại ông bị điếc.
Dù gặp nhiều biến cố nhưng có một thứ không khi nào khiến Stovall căng thẳng, đó chính là tiền bạc. Hiện số tiền tiết kiệm của người đàn ông này là một triệu USD.
"Tôi luôn tự hào vì đã sống trong khả năng của mình", Stovall nói mỗi khi ai đó nhắc tới số tiền mà ông tiết kiệm được. Ông cũng khẳng định đã rất khó khăn để duy trì khoản tiết kiệm dù trải qua nhiều biến động liên quan đến suy thoái kinh tế, chi phí y tế và những rủi ro khác.
Một đời cẩn thận
Dù không phủ nhận đôi lúc gặp may mắn, nhưng ông Stovall khẳng định số tiền tiết kiệm có được ở hiện tại là nhờ cả đời thận trọng.
Trước khi nghỉ hưu ở tuổi 65, ông Stovall làm việc gần nửa thế kỷ trong ngành thép, trong đó 30 năm gắn bó với công ty LBFoster. Ông từng kinh qua nhiều chức danh như giám đốc bán hàng, giám đốc tiếp thị, quản lý tài sản.
Mặc dù mức lương chưa bao giờ vượt 40.000 USD một năm nhưng Stovall luôn tiết kiệm 2% thu nhập mỗi năm để dành cho việc nghỉ hưu. "Số tiền vì thế dồn theo năm tháng", ông nói.
Stovall cũng không thay đổi nhà nhiều lần. Năm 1957 ông mua một ngôi nhà ở Atlanta với giá 16.000 USD khi đã kết hôn và có hai con. Mười năm sau, công ty chuyển tới địa điểm mới. Ông bán căn nhà cũ với giá 22.000 USD. Lúc đó vợ chồng ông đã có bốn người con. Người vợ sau đó đã phải nghỉ việc để chăm sóc con cái.
"Chúng tôi luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc sống tiết kiệm khi gia đình có bốn người nhưng chỉ có một nguồn thu nhập cố định", người đàn ông này nói. Vì luôn nỗ lực tiết kiệm tối đa, chi tiêu tối thiểu, vợ chồng Stovall không phải vay mượn để có tiền mua đất, xây nhà.
Sau đó, Stovall đã mua một căn nhà lớn ở Duluth, bang Georgia. Căn nhà 5 phòng ngủ có giá 45.000 USD. Họ sống ở đó hơn 50 năm. Trong đại dịch Covid-19, ông Stovall đã bán căn nhà với giá 350.000 USD.
Năm Stovall 60 tuổi, cha ông qua đời. Ông và anh trai được thừa kế tài sản, và người đàn ông này gửi ngay số tiền thừa kế vào sổ tiết kiệm. Thời còn đầu tư bất động sản, tất cả các khoản lãi từ việc đầu tư cũng được Stovall và vợ gửi tiết kiệm để duy trì dòng tiền tái đầu tư, đồng thời tận dụng lãi suất kép để tiền sinh lời nhiều hơn.
Người đàn ông này cũng thích tìm hiểu thị trường chứng khoán nhưng hiếm khi mua hoặc bán từng cổ phiếu riêng lẻ. "Tôi tự coi mình là người quan sát hơn là một nhà giao dịch", ông nói. "Thị trường chứng khoán không thể lường trước được".
Khoản tiết kiệm của Stovall được chia thành hai loại: cổ phiếu và tiền mặt. Trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng của ông là 2.200 USD. Mỗi khi cần dùng đến tiền, ông đều sử dụng tiền mặt, số cổ phiếu vì thế không bị ảnh hưởng.
Tiết kiệm là tôn chỉ
Giờ đây, ông Stovall sống trong một ngôi nhà trên khu đất rộng 40 mẫu Anh thuộc sở hữu của con gái tại thành phố Cumming nên không mất chi phí nhà ở.
Dù vậy, người đàn ông này vẫn tìm kiếm đồ giảm giá ở cửa hàng tạp hóa và những món ăn rẻ hơn trong các thực đơn nhà hàng. Những người con phải thúc giục ông thay những chiếc áo sơ mi đã sờn cũ và quần jean bạc màu. Mỗi sáng, Stovall tự nấu bữa sáng cho mình như xúc xích, bánh kếp hoặc bánh quế.
Dù có nhiều tiền trong tay, Stovall vẫn cố gắng sống tiết kiệm mỗi ngày. Người đàn ông này quan niệm rằng thời trẻ, bản thân tiết kiệm để nuôi con, nuôi gia đình. Khi đã già, có tài sản để lại cho con, cho cháu chính là động lực tiết kiệm của ông.
Vợ chồng chung chí hướng
Ông Stovall cho biết bản thân sẽ không thể có một triệu USD nếu như không có sự giúp sức của người vợ quá cố Martha. Người phụ nữ này đã dành gần như cả cuộc đời để cùng chồng tạo dựng khối tài sản hiện tại.
Ông Stovall luôn đưa hết tiền lương cho bà Martha và cho biết bản thân hầu như không có nhu cầu mua sắm.
"Tôi ít có nhu cầu mua quần áo và vợ tôi cũng vậy. Ngoài tiền mua thực phẩm hàng ngày, tiền học phí cho bốn đứa trẻ, chúng tôi gần như không tiêu bất cứ gì khác", Stovall kể và khẳng định tầm quan trọng của việc vợ chồng có chung chí hướng tiết kiệm.
Hiện tại, ngoài chi phí mua thực phẩm, ông Stovall chỉ tiêu tiền cho các hoạt động thăm khám sức khỏe hàng tháng.
(Theo CNBC, India Times)