Doanh nghiệp

GELEX và sự chuẩn bị sẵn sàng cho những bước đi dài

Chiến lược đầu tư cho tăng trưởng bền vững

Kết quả đạt được trong năm 2021 và các năm trước đây cho thấy GELEX có định hướng rõ ràng và nhất quán trong chiến lược đầu tư.

Về cơ bản, GELEX đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc sở hữu vốn tại công ty mẹ và các công ty con trong năm 2021. Theo đó, GELEX vẫn tiếp tục sở hữu và chi phối 2 sub-holdings: GELEX Electric (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng) chuyên về sản xuất công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp điện) và Hạ tầng GELEX (vốn điều lệ 7.900 tỷ đồng) chuyên đầu tư và kinh doanh vào mảng hạ tầng (bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại, điện, nước sạch...).

Sau thành công của năm 2021, GELEX tận dụng lợi thế sẵn có và đón đầu đà hồi phục của nền kinh tế nhằm tiếp tục theo đuổi chiến lược đầu tư tăng trưởng. Đối với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và nòng cốt là sản xuất công nghiệp, GELEX tăng cường đầu tư theo chiều sâu, nâng cao vị thế trên thị trường thiết bị điện với những tên tuổi hàng đầu trong ngành như CADIVI, THIBIDI, HEM, EMIC, MEE… Về hạ tầng, GELEX chú trọng đầu tư những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, đem lại dòng tiền ổn định trong dài hạn.

GELEX và sự chuẩn bị sẵn sàng cho những bước đi dài - Ảnh 1.

GELEX tăng cường đầu tư theo chiều sâu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp

Theo GELEX cho biết, về quá trình phát triển, triển khai các dự án, hệ thống Hạ tầng Gelex đã hoàn tất nhiều dự án lớn, đảm bảo chất lượng, tiến độ, và mang lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội cho các địa phương. Cụ thể, đã hoàn tất và đưa vào vận hành khoảng 260MW điện các loại (phần lớn là năng lượng tái tạo), đang phát triển tiếp khoảng 1.600MW. Về nước sạch, Viwasupco đang giữ thị phần lớn nhất tại Hà Nội với 300.000 m3/ngày đêm và đang đẩy nhanh dự án nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm. Về bất động sản, hệ thống Hạ tầng Gelex đã và đang phát triển khoảng 7.000 ha khu công nghiệp, trong đó hơn 1.400 ha đã cho thuê, cùng với nhiều dự án bất động sản thương mại.

Năm 2022 là năm bản lề trong kế hoạch đầu tư dài hạn của GELEX, về năng lượng, bên cạnh việc tập trung triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư dự án điện gió Vĩnh Hải (Sóc Trăng) 800 MW, đơn vị này dự kiến M&A 200 - 300 MW điện đã vận hành, 200 - 300MW điện gió đã có đủ điều kiện pháp lý để triển khai. Về bất động sản, một mặt đơn vị sẽ đầu tư phát triển dựa trên lợi thế quỹ đất hiện có, mặt khác sẽ mở rộng quỹ đất, phát triển các dự án thông qua M&A và hợp tác với các đối tác tiềm năng. Trong đó bao gồm bất động sản thương mại, bất động sản khu công nghiệp và bất động sản nhà ở. Ngoài ra, hạ tầng GELEX cũng đang chuẩn bị cho phát triển các dự án kho, cảng khí.

GELEX và sự chuẩn bị sẵn sàng cho những bước đi dài - Ảnh 2.

Trạm biến áp 63MVA-22/110kV Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2,3

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược và các kế hoạch đầu tư phát triển, GELEX cần huy động nguồn lực rất lớn, vai trò Holdings đòi hỏi GELEX phải chủ động nguồn lực tài chính, phân bổ vốn hợp lý, đảm bảo sự phát triển của các công ty thành viên trong hệ sinh thái.

Để củng cố nguồn vốn phục vụ kế hoạch đầu tư tăng trưởng trong những năm tới, GELEX đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 8.515 tỷ đồng, tăng 74% so với 31/12/2020 thông qua 2 đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Mặt khác, tận dụng lãi suất thị trường thấp, GELEX tăng nợ vay và phát hành trái phiếu có kiểm soát nhằm tăng quy mô vốn, đảm bảo nguồn lực tài chính trong trung dài hạn. Đơn cử, cuối năm 2021, đầu năm 2022, đơn vị này đã phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 8,5% trong năm đầu tiên.

Cùng với đó, GELEX cũng áp dụng linh hoạt các công cụ tài chính cho phép tối ưu hóa vị thế vốn lưu động và chi phí vốn, hỗ trợ cho tăng trưởng.

"Sức khỏe" tài chính của GELEX

Với việc hợp nhất Viglcera từ quý II/2021, hết năm, GELEX ghi nhận doanh thu 28.585 tỷ đồng, tăng 59%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất của GELEX năm 2021 đạt 2.054 tỷ đồng, tăng 72% so với 2020 (theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của GELEX). Nợ phải trả của GELEX là 40.680 tỷ đồng, tăng 115% so với 18.937 tỷ đồng cuối năm 2020. Cơ cấu nợ của GELEX hiện được xem là khá an toàn, trong tổng số nợ phải trả nói trên, phần vay nợ ngân hàng chỉ chiếm khoảng 50%, phần còn lại là các khoản phải trả khác, trong đó trên 6.600 tỷ đồng đến từ người mua trả trước và doanh thu chưa thực hiện.

Cuối 2021, tổng tài sản của GELEX đạt 61.182 tỷ đồng, tăng 125% so với đầu năm. Hệ số Nợ và hệ số nợ vay trên Tổng tài sản của GELEX năm 2021 lần lượt là 66% và 36%, đây là ngưỡng đòn bẩy tài chính phù hợp với các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư tăng trưởng. Các hệ số thanh toán của GELEX trong năm 2021 cũng đều đạt ngưỡng an toàn cho thấy khả năng trả nợ và đảm bảo thanh khoản tốt của đơn vị. Cụ thể: Hệ số thanh toán hiện hành năm 2021 là 1,31 lần; Hệ số khả năng trả nợ (DSCR) năm 2021 là 2,3 lần; Hệ số khả năng thanh toán lãi vay là 2,83 lần.

Có thể thấy, mặc dù nợ tăng nhưng cùng với đó là sự mở rộng quy mô hoạt động và bổ sung vốn chủ sở hữu phù hợp, GELEX vẫn duy trì "sức khỏe" tài chính tốt, cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản, làm cơ sở cho sự phát triển sắp tới.

Triển vọng 2022

Trong 2022, nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, GELEX có triển vọng tốt trong các ngành sản xuất thiết bị điện với những tên tuổi hàng đầu trong ngành như Cadivi, Thibidi, Hem, EMIC… Bên cạnh đó, mảng bất động sản khu công nghiệp cũng được kỳ vọng tiếp tục sôi động trong năm tới bởi Việt Nam đang có rất nhiều dư địa để đón sóng FDI. Với quỹ đất lớn và kinh nghiệm phát triển hạ tầng và bất động sản khu công nghiệp, Viglacera hứa hẹn có một năm tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn.

Với đà tăng trưởng của thị trường, cộng với kinh nghiệm, nguồn lực, sự chuẩn bị chủ động, vị thế của đầu ngành trong các lĩnh vực đầu tư, dự báo 2022 sẽ tiếp tục là một năm phát triển mạnh của GELEX.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm