Sau khi công chiếu vào cuối tháng 9/2021, "Squid Game" đã đứng đầu danh sách phát sóng tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Cơn sốt "Squid Game" kéo theo làn sóng lớn fan hâm mộ, những hình ảnh xuất hiện trong bộ phim như áo đồng phục đánh số, búp bê, mặt nạ, kẹo đường,… thậm chí cả phong cách trang điểm của nhân vật trở thành "trend" của giới trẻ.
Những người kinh doanh nhạy bén ngay lập tức tung ra những sản phẩm xuất hiện hoặc có dấu ấn được nhắc đến trong phim. Kết hợp với nền tảng thương mại điện tử trực tuyến để bán hàng, những nhà kinh doanh "thức thời" đã thu được doanh số bán hàng rất tích cực.
Có thời điểm, khi gõ cụm từ "Squid Game" tìm kiếm trên Amazon, cho ra hơn 800.000 kết quả.
Có hơn 800.000 kết quả cho tìm kiếm "Squid Game" trên Amazon
Ngoài amazon, các sản phẩm liên quan "Squid Game" còn được bán trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác. Chẳng đâu xa, ngay tại Việt Nam, không khó để tìm mua một món đồ gắn với "Squid Game" trên mạng.
Netflix và câu chuyện dở khóc dở cười về bảo hộ nhãn hiệu
Trong động thái của mình, Netflix - "cha đẻ" của Squid Game đã nhờ bên thứ ba, là Brandshield, khiếu nại hàng loạt các cửa hàng liên quan trên Amazon về việc sử dụng thương hiệu của mình. Sau động thái này, một số cửa hàng trên Amazon đã bị khiếu nại và đình chỉ.
Nhưng câu chuyện trở nên "trớ trêu" hơn khi Netflix phát hiện mình không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu "Squid Game".
Netflix bắt đầu nộp đơn đăng ký nhãn hiệu "Squid Game" đầu tiên tại Hàn Quốc, lần lượt vào ngày 8/10/2021 & 15/10/2021 cho các sản phẩm/dịch vụ thuộc nhóm liên quan đến phần mềm máy tính, máy tính, thẻ từ tính, usb, văn phòng phẩm, quần áo, giày dép, mũ nón, trò chơi, đồ chơi, đồ trang trí, giải trí, truyền hình, làm phim, nhạc trực tuyến, ấn phẩm trực tuyến…
Sau đó các nhãn hiệu này cũng đã được Netflix lần lượt nộp tại nhiều quốc gia khác ngoài Hàn Quốc như Phillippines, Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Malaysia, Peru, Argentia…
Theo thống kê của Luật sư Dương Thị Vân Anh - Công ty Luật TNHH Vietthink, đơn sớm nhất được nộp cho Nhóm 35 từ ngày 27/9/2021 và loạt đơn ngày 30/9/2021 không phải bởi Netflix mà phần lớn là của các pháp nhân/cá nhân Trung Quốc.
Ảnh chụp màn hình Văn phòng Thương hiệu Hoa Kỳ
Cũng theo Luật sư Vân Anh, Công ty Luật TNHH Vietthink, trong phim còn có rất nhiều dấu hiệu mang tính đặc biệt và phân biệt riêng của phim như hình ảnh nhân vật, chi tiết đặc biệt được sáng tạo trong phim, hình ảnh chi tiết nhỏ tạo dấu ấn của bộ phim như biểu tượng hình tròn, tam giác, vuông;....
Các dấu hiệu này được tạo ra từ sự sáng tạo của ekip làm phim do đó hoàn toàn có thể được đăng ký bảo hộ là các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm/dịch vụ sẽ đươc sử dụng mang nhãn hiệu. Khi đăng ký độc quyền được các dấu hiệu này cho các sản phẩm/dịch vụ mục tiêu, doanh thu từ việc khai thác thương mại các sản phẩm/dịch vụ mang các dấu hiệu này có thể rất lớn, thậm chí nằm ngoài dự liệu của Netflix. Việc khai thác thương mại này đến từ việc truyền thông bộ phim, gián tiếp tạo làn sóng mới cho người đã xem phim, đặc biệt là giới trẻ (hay còn thường được gọi là “tạo trend”) bởi vì các hình ảnh này sẽ được thường xuyên và liên tục xuất hiện trong cuộc sống.
Trên thực tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, việc “copy” nhãn hiệu, dựa hơi các nhãn hiệu được nhận biết rộng rãi không hiếm gặp trong thời đại hiện nay.
Sự "chậm trễ" của Netflix đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân/pháp nhân "thức thời" khác đăng ký nhãn hiệu không chỉ ở Hàn Quốc nơi bộ phim được sản xuất mà còn xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Rơi vào hoàn cảnh "chuyện đã rồi", đi tranh đấu pháp lý là việc mất khá nhiều thời gian và công sức, đặc biệt quy định về ghi nhận quyền độc quyền đối với nhãn hiệu ở các quốc gia không đồng nhất.
Hơn nữa, cơn sốt từ Squid Game không kéo dài quá lâu, nó vừa đủ cho một số nhà kinh doanh nhanh chân thu về được lợi ích, còn "chính chủ" có lẽ đã rút được kinh nghiệm sâu sắc trong việc bảo hộ thương hiệu ở những lần sau.