Tranh style vương giả kiểu “tân cổ giao duyên” được bán với giá hàng trăm triệu
Lúc học trong trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, 9X Bảo Nguyễn (Nguyễn Ngọc Gia Bảo) từng mơ mình sẽ trở thành họa sĩ triệu đô. Sau 1 thời gian mày mò tìm hướng đi, cũng có khi lạc lối, cũng có khi bế tắc, cuối cùng Bảo đã tìm ra 1 dòng tranh riêng của mình với phong cách đặc biệt. Bảo vẽ nhân vật cụ thể mặc cổ phục là áo dài triều Nguyễn kết hợp với phụ kiện đương đại, đa phần là đồ hiệu đắt tiền.
Vốn là người thích tìm hiểu về lịch sử, Bảo đặc biệt thích chiếc áo dài thời Nguyễn, đặc biệt là phong cách của vua Khải Định, ông thường mặc áo dài sặc sỡ, dù là cổ trang nhưng lại rất đương đại. Bảo bắt đầu từ việc vẽ chân dung chính mình mặc áo dài họa tiết cổ, sau đó anh vẽ tiếp những bức khác và mix match thêm phụ kiện hàng hiệu hiện đại để làm cho tranh có màu sắc tươi tắn và mới mẻ.
Tranh Bảo Nguyễn tự họa và tạo thành dòng tranh riêng với mức giá rất mắc.
Và cuối cùng Bảo tạo ra một dòng tranh cổ kim kết hợp, sắc màu rực rỡ, vừa có tính truyền thống vừa tính đương đại cao. Đặc trưng dễ nhìn nhất là tranh sắc màu nhưng tinh tế, toát lên sự vương giả, giàu sang, nhưng có dấu ấn cá nhân cao.
Vì nhân vật trong tranh là một con người cụ thể, những món đồ trong tranh cũng là của họ. Sự giàu sang phú quý có thực trong tranh không phải của những năm ơ kìa chỉ qua rồng phụng trên áo dài, mà họa sĩ đã nối quá khứ với hiện tại bằng áo dài triều Nguyễn, nội thất cổ xưa và đồ hiệu xịn sò. Điểm chung dù đó là những sản phẩm từ 2 thời kỳ cách xa nhau nhưng đều đắt đỏ và tinh tế từng chi tiết.
Nhiều người thoáng nghĩ sẽ cho rằng vậy người đặt Bảo vẽ tranh hẳn là những gã trọc phú giàu sụ thích khoe của nả. Những gã nhà giàu tiền tiêu bằng quyển, nhưng trí thức thì mỏng như tờ giấy pơ-luya. Ấy thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Khách hàng của Bảo cho dòng tranh này dù nam nữ đều có nhưng chủ yếu lại là những quý bà giàu có, những "nữ chủ tịch" đi lên nhờ năng lực và sự cố gắng của bản thân.
Họ giàu thật sự nhưng lại khá kín tiếng. Còn sự phú quý trong tranh là 1 phút họ sống thật với chính mình. Dù là doanh nhân giàu có đủ kiếm tiền khiến các nam nhân phục sát đất, ở ngoài thét ra lửa đấy. Nhưng đâu đó họ vẫn có phút giây phù phiếm muốn được ve vuốt bằng đồ hiệu bằng phần thỏa mãn thị giác khi ngắm chính mình trong 1 bức tranh sau những áp lực trên thương trường.
Cổ phục triều Nguyễn kết hợp cùng Hermes Birkin bạch tạng hay nhiều phụ kiện tân thời khác chính là đặc điểm nhận diện của kiểu tranh này.
“Người giàu thường có lối đi riêng” họ được phép làm những gì mình thích vì họ đã lao động xứng đáng để hưởng thụ.
Vì thế tranh của Bảo Nguyễn đáp ứng được phần bản ngã của chính họ. Lúc ngắm bức tranh có mình hóa thân mặc chiếc áo dài triều Nguyễn vương giả và món đồ mình yêu thích cũng phấn khích, sau đó sẽ chuyển sang trạng thái thư thái. Lúc đó không phải là thời điểm để đeo túi xách, mắt kính, nhưng họ trong tranh thì đang làm điều đó. Và cũng thật tuyệt khi có thể tự hào lúc bạn bè và người thân tới chơi nhà và chiêm ngưỡng một tác phẩm hội họa không hề xa lạ, là chính gia chủ đang ở đó.
Nhiều người cho rằng những người chơi dòng tranh này quá dị. Gì mà treo bức tranh hàng trăm triệu mà chỉ là tranh in ở phòng khách? Gì mà khoe mẽ đồ hiệu lên cả tranh? Gì mà bày đặt vương giả, nghĩ mình là bà hoàng chắc? Nhưng hãy nhớ lại câu nói đơn giản này “người giàu thường có lối đi riêng” họ được phép làm những gì mình thích vì họ đã lao động xứng đáng để hưởng thụ lúc này.
Thương trường như chiến trường, đối mặt với bao nhiêu áp lực, chỉ khi về nhà họ mới được là chính mình nhất. Biết đâu lúc thả mình trong chiếc sofa nhìn chính mình vừa vương giả như bà hoàng lại vừa thời thượng như 1 quý bà hiện đại là họ thấy lòng mình dịu lại: “Ừ thì bao nhiêu những sóng gió ta đã từng trải đều có giá của nó”.
Từ một họa sĩ vẽ tranh lụa, vẽ họa tiết rồng phượng trên áo dài, vẽ chú hề... Bảo đã chọn được 1 lối đi riêng để thỏa mãn đam mê và sống tốt nhờ nó. Có nhiều khách hàng tìm tới Bảo sẵn sàng trả phí cao. Người ta vẽ truyền thần, còn Bảo vẽ nhân vật của mình với thần thái của họ, sự sung túc và giàu có của họ bằng một phần thực tế, một phần giả tưởng, nhưng đủ khiến khách hàng tìm thấy mình trong tranh. Nhưng nếu hoàn toàn là họ thì cũng không có gì mà thú vị, những người phụ nữ quyết đoán, cứng rắn và thét ra lửa luôn muốn 1 cái gì thật khác như cách Bảo đưa ý tưởng “tân cổ giao duyên” vào trong tranh như thế này.
Là tranh digital vẽ trên máy rồi in ra, chứ không phải sơn mài hay sơn dầu hoặc trường phái trừu tượng như những họa sĩ khác, nhưng tranh của Bảo không hề rẻ. Mức giá từ 3000 đến 10.000 đô, có thể hiểu tầm trung bình ở khoảng giá 100 triệu nên khách hàng của Bảo toàn người giàu. Dù ở trong nước, người ở nước ngoài, Sài Gòn, Hà Nội và các vùng miền đều có; dù đàn ông hay phụ nữ đều có nhưng phần đông hơn khách hàng của anh là các phú bà. Dịp trước Tết và cận Tết vừa qua Bảo thú nhận vẽ không có thời gian để thở vì quá nhiều đơn đặt hàng. Tất nhiên, anh cũng kiếm được bộn tiền nhờ dòng tranh riêng đắt khách và cũng rất đắt đỏ này.
Dịp trước Tết và cận Tết vừa qua Bảo thú nhận vẽ không có thời gian để thở vì quá nhiều đơn đặt hàng.
Do dịch bệnh, do khách hàng ở xa nên cách Bảo làm việc với khách hàng chủ yếu là liên lạc online. Nhưng Bảo nhanh ý để nhìn trang cá nhân của họ trên MXH là đã đoán ra 1 phần tính cách, cuộc sống của họ để phác thảo bản vẽ.
Dấu ấn của những khách hàng là "nữ chủ tịch" tự tay làm nên cơ đồ, bên ngoài thét ra lửa nhưng sống kín đáo, không phô trương
Nhiều người có thể nghĩ khách hàng của Bảo hẳn phải là người thích khoe mẽ khi ái kỷ đến mức vẽ mình vào tranh đóng khung treo trong nhà, lại còn làm bà hoàng quyền quý rồi có đồ hiệu đẹp là khoe ra. Nhưng Bảo thì thấy thực tế ngược lại. Đa phần khách hàng của anh đều là người kín tiếng, không thích bóng bẩy bên ngoài hay làm màu trên MXH như khoe nhà, khoe xe, khoe sự quyền quý.
Họ giàu là giàu thật vì đều là chủ doanh nghiệp lớn, làm ra tiền và cũng là người có gu thẩm mỹ vô cùng tinh tế, sống tình cảm. Những lời đề nghị đưa chi tiết này chi tiết kia vào tranh hay cách nói chuyện đều cho thấy họ có học thức cao, giàu nhưng không kênh kiệu nếu không muốn nói là kín đáo, khiêm nhường và càng không thích khoe mẽ.
Trong tranh có đồ hiệu mắc tiền vì họ cho rằng đây là sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cá nhân, trong phạm vi gia đình nên họ mới không ngại phô bày chính mình, con người thật của mình và những đồ vật mình sở hữu trong đó.
Khách đặt tranh của Bảo đều là chủ doanh nghiệp lớn, làm ra tiền và cũng là người có gu thẩm mỹ vô cùng tinh tế.
Bảo cho biết trong tác phẩm của mình phụ kiện đặt trong tranh có Hermes Birkin da cá sấu và Birkin bạch tạng có giá từ 150 ngàn đến 300 ngàn đô. Ngoài ra là đồng hồ Hublot giá hơn 1 tỷ, mắt kính Chanel rơi vào tầm 1500 đô, vòng Cartier hơn 50 ngàn đô, đồng hồ Richard Mille giá hơn 2 tỷ đồng… Tất cả đều là đồ dùng thực tế của khách và Bảo chỉ lồng ghép 1 cách tinh tế vào tranh để thể hiện 1 phần style nhân vật của mình.
Trong quá trình trao đổi công việc, họa sĩ trẻ này cũng nhận ra có những nữ đại gia có tất cả sự nghiệp và vật chất xa xỉ, nhưng chuyện tình cảm riêng thì lại không tỷ lệ thuận như thế. Họ thường không phải là vợ đại gia mà là những “nữ chủ tịch” tự tay làm nên cơ đồ. Tranh họ đặt thường đòi yêu cầu rất cao như đường nét tỉ mỉ, tinh tế. Đồ hiệu thể hiện cũng tinh tế chứ không phô phang khoe của kiểu trọc phú. Bảo nói: "Mình có nghe người ta nói rằng người giàu nói chuyện với nhau về nghệ thuật, những người làm nghệ thuật nói với nhau về tiền. Có lẽ khi họ đủ đầy rồi thứ họ quan tâm không phải là vật chất nữa".
Bảo cho biết để hoàn thiện 1 bức tranh anh thường mất thời gian 2-3 tuần. Điểm thuận lợi mà Bảo nhận thấy là khách hàng của mình đa phần là giới nhà giàu, họ có gu thẩm mỹ, có gu ăn mặc, họ thích màu sắc như dòng tranh Bảo đang theo đuổi. Những bức tranh có gam màu nổi bật nhưng vẫn toát lên được sự tinh tế trong đó. Vì họ giàu thật nên Bảo cũng không khó khăn để thể hiện sự vương giả ấy trong bức tranh. Họ cũng là người mạnh tay chi tiền nên Bảo cũng làm việc miệt mài mà không ngại hay nản. Có những người muốn dát vàng lên tranh, nhưng cũng có những người chỉ muốn một bức tranh đơn giản, ít chi tiết.
Để thực hiện dòng tranh này có người sẽ nghĩ không khó khi chuyển từ khách hàng này sang khách hàng khác vì có khung sẵn rồi. Nhưng anh chàng họa sĩ này thì nói rằng nó không dễ khi một bức tranh có quá nhiều gam màu nóng, quá nhiều chi tiết trong tranh nếu không đủ trình phần phối màu dễ quá chóe, không ăn khớp được với nhau. Để tổng thể bức tranh tinh tế, ăn khớp người với trang phục, đồ vật hoặc cử chỉ tự nhiên duyên dáng thì khá đau đầu. Và cuối cùng cái đích hướng tới cũng phải là một bức tranh là độc bản thỏa mãn được cái tôi của các phú bà vừa giàu, vừa tinh tế.