Mua nhà hay không lúc nào cũng là chuyện rôm rả. Nhưng mỗi chuyện mua nhà chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng, chuyện nan giải ở đây là làm sao mua nhà khi túi tiền thì eo hẹp, làm liều đi vay ngân hàng liệu có phải là cách hay? Nghe người trong cuộc giãi bày nhé!
Giá nhà ngày càng tăng theo cấp số nhân, gồng gánh 30 triệu/ tháng trả nợ có là gì
Ngân (27 tuổi, kinh doanh) - mua nhà ở Thủ Đức, chia sẻ: “Mình góp tiền tiết kiệm lẫn được bố mẹ cho mà vẫn không đủ nên đành cắn răng đi vay ngân hàng 50%, mỗi tháng mình phải trả nợ hơn 30 triệu, chi tiêu lúc nào cũng dè sẻn tiết kiệm mà vẫn không đủ trả nợ, trong khi lương mình chỉ bằng ⅔ số tiền trả nợ vay mua nhà”.
Đồng cảnh ngộ với Ngân, Tuấn (29 tuổi) cũng cho rằng vay nợ mua nhà hơi mệt nhưng có tiềm năng, tương lai về sau: “Giá nhà ngày càng tăng theo cấp số nhân, càng chần chừ càng khó mua. Chỉ riêng căn hộ mình mới mua cách đây 5 tháng, giờ đã tăng gấp 1,5 lần. Nếu bán lại, mình lời hơn 50% chỉ trong vòng vài tháng”.
So với Ngân và Tuấn, Trung (30 tuổi) thì cho rằng vay nợ mua nhà vẫn khỏe hơn đi thuê rất nhiều, dù cậu phải gánh khoản vay 1,5 tỷ, trả nợ hơn 35 triệu/ tháng trong vòng 4 năm: “Tận dụng căn hộ có 3 phòng ngủ, mình chia tách ra để cho thuê lại và thu tiền sinh hoạt phí, mỗi tháng mình vẫn có thu nhập thụ động từ việc cho thuê tầm 20 triệu, bù thêm với tiền lương thì mình vẫn đủ khả năng chi trả chi tiêu.” Bên cạnh đó, Trung nhấn mạnh: “Sau 4 năm trả nợ thì lúc đó căn nhà hoàn toàn của mình, mình hưởng hết 100% nguồn thu nhập thụ động từ cho thuê”.
Nói tóm lại, rõ ràng vay tiền mua nhà là một quyết định liều lĩnh của hội “nghiện nhà”. Dù phải gánh còng lưng trả nợ nhưng rõ ràng, vay tiền mua nhà vẫn là một quyết định có lý trong tình cảnh giá nhà ngày càng leo thang. Hơn nữa, nếu biết cách đầu tư bằng việc cho thuê lại một phần hay toàn bộ căn nhà, bạn hoàn toàn có thể xoay sở vốn vay nhờ khoản thu nhập thụ động.
Vay tiền khổ lắm, vỡ nợ rồi ai lo?
Tuy viễn cảnh vay tiền mua nhà cũng có màu hồng, an cư lạc nghiệp cho tương lai về sau, nhưng “đắp chăn mới biết chăn có rận”, hội vay tiền rồi… vỡ nợ cũng nhiều không kể xiết.
Với khoản vay ban đầu 2 tỷ đồng, trả cả gốc lẫn lãi sau 10 năm lên tới 3 tỷ, Minh (25 tuổi, nhân viên) hối hận: “Mỗi tháng mình phải trả 25 triệu tiền vay mua nhà, lương chỉ vỏn vẹn 15 triệu nên tháng nào cũng thiếu nợ người này người kia mới đủ ăn.” Khi hỏi lý do vì sao vẫn muốn vay tiền mua nhà trong khi không dư dả, Minh ấm ức: “Thấy nhiều người mua nhà quá nên mình sợ bỏ lỡ cơ hội mua nhà sớm, sau này lỡ không có tiền mua.” Bên cạnh đó, cậu vẫn khẳng định, “Mình vẫn sẽ ráng cày trả nợ, dù sao đi nữa có nhà vẫn đỡ hơn không.”
Không may mắn như Minh, Lan (29 tuổi) đã bán căn chung cư mà mình mua cách đây vỏn vẹn 6 tháng vì không xoay sở đủ tiền trả nợ và bất ngờ thất nghiệp do Covid-19: "Mình đi vay ngân hàng những 70% giá trị căn nhà, mỗi tháng đều gánh gồng một khoản nợ 20-25 triệu, suy nghĩ đủ thứ để cắt đầu bỏ đuôi, gồng cho đến khi mình thất nghiệp vì công ty giảm nhân sự, không xoay sở tiền kịp nên mình bán luôn, lỗ hơn 200 củ".
Có thể thấy, ao ước “có nhà có cửa” luôn luôn hiện diện ở bất kì đâu, đặc biệt là hội những người trưởng thành với nhiều áp lực đặt ra của xã hội. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ lưỡng khả năng trả nợ và cân đối thu nhập cá nhân, bạn rất dễ rơi vào cái bẫy nợ nần không lối thoát.
Liệu nên vay nợ mua nhà hay không?
Vay nợ đã là vấn đề không của riêng người nào khi bắt đầu cân nhắc mua nhà, tuy nhiên để tránh rơi vào bẫy nợ nần, bạn cần bỏ túi một vài lưu ý sau:
Thu nhập và các khoản tiền thu hằng tháng = Chi tiêu + Trả nợ mua nhà + Dự phòng (tối thiểu 5% tổng thu nhập)
Trong đó:
- Chi tiêu = các chi phí sinh hoạt, ăn uống, đi lại, học tập, giải trí + chi phí phát sinh khác (đám hỏi, sinh nhật, mua sắm đồ mới) + chi phí cho người thân (con cái, cha mẹ) + chi phí tín dụng (các khoản nợ khác)
- Trả nợ chính là số tiền hằng tháng mà bạn phải trả cho ngân hàng để mua nhà
- Dự phòng là khoản tiền tiết kiệm dự phòng những tình huống phát sinh không lường trước (thất nghiệp, dịch Covid ảnh hưởng kinh doanh,...)
Sau khi xác định được các khoản chi phí phát sinh và trả nợ mua nhà, bạn nên vay nợ mua nhà nếu như tổng mức thu nhập và các khoản tiền thu hằng tháng tối thiểu bằng tổng các chi phí phát sinh.
Thứ hai, xác định ngưỡng vay an toàn. Nhiều trường hợp không đủ vốn mua nhà nhưng vẫn quyết tâm vay mượn ngân hàng 70%-80% giá trị căn nhà, rất dễ rơi vào bẫy tài chính, trả nợ hoài mà vẫn không hết. Để tránh tình trạng này, bạn cần xác định ngưỡng vay nợ mua nhà, an toàn nhất là trên dưới 50% giá trị căn nhà. Việc đi vay dưới 50% giúp bạn dễ xoay sở để trả nợ, hơn nữa lãi suất vay ngân hàng luôn dao động từ 10%-12%, vay ít sẽ tránh “ngộp thở” khi nhìn vào các khoản chi hàng tháng.
Thứ ba, tăng thu nhập hoặc giảm chi tiêu. Nếu cả hai điều kiện trên bạn vẫn không đạt được, tăng thu nhập và giảm chi tiêu chính là lựa chọn tiên quyết ngay lúc này nếu bạn muốn sớm sở hữu một căn nhà. Đối với tăng thu nhập, bạn có thể đề xuất tăng lương, kiếm thêm một công việc làm thêm khác kiếm thêm thu nhập. Đối với giảm chi tiêu, bạn có thể cắt bớt một số khoản chi tiêu không cần thiết như du lịch, giải trí, mua sắm đồ mới,...
Cuối cùng, hãy giữ một cái đầu tỉnh táo. Vay nợ mua nhà là một bài toán nan giải và cần một cái đầu bản lĩnh, tỉnh táo trong mọi tình huống. Vì vậy, bạn cần phải bình tĩnh và cẩn thận với mọi quyết định trước khi vay nợ mua nhà nhé.