Cổ phiếu gỗ đồng loạt tăng trần
Thị trường khép lại phiên giao dịch 11/3 với sắc đỏ bao phủ nhiều nhóm ngành. Trong khi thị trường chung u ám, nhóm cổ phiếu gỗ lại vụt sáng khi đồng loạt tăng trần cùng thanh khoản tăng cao đột biến.
Dẫn đầu là cổ phiếu TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành khi bật tăng kịch trần lên mức 16.600 đồng/cp (chốt phiên 11/3), dư mua trần hơn 455 nghìn cổ phiếu. Song hành với điểm số, thanh khoản cũng tăng đột biến lên hơn 16 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp đôi khối lượng trung bình 10 phiên gần nhất. Tính riêng trong 1 tháng trở lại đây TTF đã tăng 27% giá trị. Đây cũng là mức giá đỉnh của doanh nghiệp ngành gỗ trong gần 6 năm trở lại đây.
Chung đà bứt tốc của cổ phiếu ngành gỗ, mã GDT của Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành cũng "tím lịm" khi tăng hết biên độ lên 57.200 đồng/cp. Điểm sáng là thanh khoản của mã này trong phiên hôm nay tăng vọt gấp 17 lần so với thanh khoản trung bình với 341 nghìn đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu PTB của Công ty Cổ phần Phú Tài cũng "mặc áo tím" với mức giá trần 112.900 đồng/cp. Tương tự các cổ phiếu trong ngành, khối lượng giao dịch của PTB cũng bứt phá gấp 5 lần với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, cổ phiếu GTA của Công ty Cổ phần Gỗ Thuận an cũng tăng trần lên 18.650 đồng/cp. Các cổ phiếu khác như Gỗ An Cường (ACG), Savimex (SAV) dù không "tím trần" nhưng cũng tăng điểm tích cực.
Đà tăng bứt tốc của nhóm cổ phiếu gỗ được cho là đến từ những thông tin ngày 10/3 vừa qua, Thủ tướng Chính đã ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu chung của Đề án là đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, trị giá xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.
Đề án cũng đặt mục tiêu lớn phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, với việc hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.
Đáng chú ý, dù vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng trong 2 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là một thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu ngành gỗ.
Kỳ vọng từ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh
Bên cạnh thông tin hỗ trợ từ Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, các doanh nghiệp gỗ trên sàn chứng khoán cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những kỳ vọng lớn.
Có thể kể đến trường hợp Gỗ Đức Thành (GDT) lên kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh. Cụ thể, GDT đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 sẽ tăng mạnh 48% so với cùng kỳ lên 500 tỷ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 dự kiến tăng 48% lên 425 tỷ đồng, tiếp tục là nguồn đóng góp chính khi chiếm 85% kế hoạch doanh thu thuần. Doanh thu nội địa và các mảng khác năm 2022 dự kiến sẽ tăng 44% so với cùng kỳ lên 75 tỷ, tương ứng chiếm 15% mục tiêu doanh thu thuần năm 2022.
Kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2022 kỳ vọng đạt 94,3 tỷ, tương ứng tăng mạnh 55% so với thực hiện năm 2021, với giả định biên lãi ròng năm 2022 tăng trở lại đáng kể lên 18,9% từ mức 16,6% năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế của GDT qua các năm
Báo cáo của BVSC cũng cho thấy, các đơn đặt hàng xuất khẩu của GDT đã đạt mức gần 9 triệu USD, hoàn thành tới gần 50% kế hoạch doanh thu xuất khẩu năm 2022 (18,25 triệu USD), cho thấy triển vọng xuất khẩu năm 2022 tiếp tục khởi sắc. Đơn hàng của GDT tăng được thúc đẩy tuân thủ ESG chặt chẽ, giúp đảm bảo nhiều đơn đặt hàng hơn và có được thêm khách hàng mới, đặc biệt là từ Châu Âu và Mỹ.
Phú Tài (PTB) cũng được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực. Theo Chứng khoán MBS, ngành gỗ của Phú Tài có kết quả tích cực nhờ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với việc giá gỗ thế giới hồi phục mạnh mẽ từ tháng 6/2021.
Cụ thể, MBS ước tính khi Phú Tài hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy Phù Cát số 3 vào năm 2023, công suất chế biến gỗ của PTB sẽ đạt 102.050 m3/năm, tăng 59,8% công suất so với năm 2020, kỳ vọng đưa mức doanh thu gỗ đạt mức tăng trưởng kép CAGR 16,19% trong giai đoạn 2023-2026.
Doanh thu mảng kinh doanh gỗ qua các năm (tỷ đồng). Nguồn: PTB, MBS Research
Bên cạnh đó, đội ngũ phân tích cũng cho rằng giai đoạn 2022-2023, phân khúc đá thạch anh của Việt Nam nói chung và Phú Tài nói riêng được hưởng lợi do Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.Phú Tài cũng đã và đang đầu tư vào một nhà máy thạch anh mới tại Đồng Nai với công suất 450.000 m3 cùng với mục tiêu chinh phục 2 thị trường lớn là Mỹ và Úc.
Theo đó, công ty chứng khoán này dự kiến doanh thu của đá thạch anh sẽ đạt 250 tỷ đồng trong năm 2022, với mức tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 30%. Biên lợi nhuận gộp mảng đá của công ty tăng lên 30,5% trong năm 2022 và tăng lên 31% trong các năm tới.