Doanh nghiệp

Gần 65% doanh nghiệp Việt chưa chuẩn bị tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 27/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức toạ đàm với chủ đề "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ hùng cường", nhằm tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam.

Tự chủ là chìa khóa

Trong chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045, năng lực tự chủ sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được xác định là yếu tố sống còn để Việt Nam không chỉ là nơi gia công, mà là trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực.

Gần 65% doanh nghiệp Việt chưa chuẩn bị tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ảnh 1

Quang cảnh tọa đàm "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ hùng cường".

Tuy nhiên, khảo sát của VCCI cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với 64,7% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị. Chỉ có khoảng 15,3% doanh nghiệp có chiến lược tổng thể dài hạn. Khả năng đáp ứng yêu cầu của đối tác khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình, gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, VCCI - chỉ ra rằng, một trong những điểm yếu của Việt Nam hiện nay là chưa làm chủ được các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị công nghiệp, dẫn đến thiếu các doanh nghiệp đầu ngành dẫn dắt và sự liên kết, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, mong muốn của doanh nghiệp về sự kết nối và hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn, tổ chức và hiệp hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa của doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều thách thức. Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử chỉ khoảng 5%-10%, ngành công nghiệp ô tô khoảng 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam chủ yếu sản xuất phụ tùng có công nghệ giản đơn, trong khi các linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.

Thước đo chỉ số phát triển công nghiệp

Tại tọa đàm, ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - nhấn mạnh cần xây dựng năng lực công nghiệp tự chủ, chuỗi cung ứng bền vững, tập trung vào 3 trụ cột chính: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, liên kết ngành và phát triển cụm công nghiệp, phát triển nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam - cho rằng cần cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

“Chúng tôi muốn đề xuất khơi thông về tới nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính, không chỉ là từ nguồn vay ngân hàng mà còn phải xây dựng nhiều quỹ chấp nhận rủi ro trong đầu tư công nghệ. Đầu tư vào nguồn nhân lực, chắc chắn là cần hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp” - bà Đỗ Thị Thúy Hương bày tỏ.

Gần 65% doanh nghiệp Việt chưa chuẩn bị tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ảnh 2

TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - phát biểu về động lực từ chính sách phát triển công nghiệp tại toạ đàm.

Đặc biệt, TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học công nghệ và kinh tế tư nhân trong phát triển công nghiệp. Ông Quân khẳng định, chỉ số phát triển công nghiệp là thước đo quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế. Trong kinh tế số, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đóng vai trò quan trọng và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp là khó nhất. Ông nhấn mạnh, Việt Nam đang có những lợi thế quan trọng từ hai nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là kinh tế số phải chiếm 30% GDP vào năm 2030 và 50% GDP vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đầu tư rất lớn cho khoa học công nghệ, với mức đầu tư từ ngân sách phải đạt tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hàng năm và đầu tư của xã hội đạt trên 2% GDP vào năm 2030.

Về Nghị quyết 68, TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh điểm đột phá là công nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Lâm Thuỳ Dương

Các tin khác

Tặng hàng chục triệu gigabit, Viettel đẩy nhanh tiến độ phổ cập 5G

Từ ngày 26/5 đến 1/6/2025, Viettel tặng 6GB data miễn phí dành cho khách hàng đang sử dụng điện thoại 5G nhưng chưa truy cập mạng 5G từ tháng 4/2025 đến trước thời điểm đăng ký. Chương trình nhằm khuyến khích người dân “bật 5G” để trải nghiệm công nghệ mới và nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực của 5G trong đời sống số.

Chuyên gia nói gì về đề xuất vay vốn của VinSpeed cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Đề xuất vay 80% vốn đầu tư không lãi suất trong 35 năm để thực hiện tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam của VinSpeed đã tạo nên nhiều tranh luận trái chiều. Nhìn từ góc độ tài chính công, chiến lược hạ tầng và bài toán phát triển công nghiệp dài hạn, giới chuyên gia cho rằng đây là một cách tiếp cận đáng cân nhắc.

Người mua vàng lỗ nặng

Sáng nay (28/5), giá vàng trong nước tiếp đà giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 118 triệu đồng/lượng và người mua lỗ ngay hơn 5 triệu đồng/lượng tính từ đầu tuần.