Doanh nghiệp

Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần

Mặc áo phông, quần jeans, đi dép Crocs ngồi café, ít ai biết rằng Nguyễn Đức Bình đang họp bàn về một dự án kinh doanh. Đối với anh, nơi làm việc có thể là bất cứ đâu nhưng hiệu quả công việc vẫn phải không thua kém những người mặc đồ công sở, ngồi văn phòng.

5 năm trước, Nguyễn Đức Bình bỏ việc lương hơn 5.000 USD/tháng tại một tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ để về Việt Nam khởi nghiệp với thương hiệu yoga hiện đại Viet Yogi. Đến nay, anh tiếp tục ấp ủ và thực hiện một số dự án mới. Tinh thần kinh doanh lúc nào cũng rực lửa chính là điều góp phần tạo nên Nguyễn Đức Bình của ngày hôm nay.

Sau thành công với yoga hiện đại, Nguyễn Đức Bình đã mở một trung tâm luyện tập khác và đồng sáng lập một ứng dụng sách nói. Anh tự nhận mình là người thích kinh doanh nhưng bản chất không phải người quá “hăng máu”. Founder trẻ cho biết anh muốn vận hành công việc kinh doanh theo hướng vừa có ảnh hưởng đến xã hội và vừa phải kiếm được tiền.

Câu chuyện lần này sẽ không đề cập nhiều đến yoga – điều mọi người thường nghĩ ngay tới khi nhắc đến Nguyễn Đức Bình, mà là về tinh thần khởi nghiệp và những trải nghiệm kinh doanh của chàng trai 9x.

Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 1.
Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 2.

Khó khăn lớn nhất anh gặp phải trong quá trình khởi nghiệp với Viet Yogi là gì? So với thời gian làm việc ở trung tâm yoga Lululemon tại New York, anh thấy việc khởi nghiệp ở Việt Nam như thế nào?

Sau khi rời bỏ công việc tài chính, tôi chuyển sang tập đoàn về yoga tại New York và mọi thứ rất khác. Ngoài công việc ở Lululemon, tôi còn làm trợ lý, quản lý studio. Nhờ đó, tôi học được cách lau thảm, hỗ trợ học viên check-in và vận hành một studio. Điều đó giúp quá trình khởi nghiệp ở Việt Nam của tôi trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Tôi về Việt Nam từ tháng 8/2016. Sau vài ngày, tôi tìm thuê được địa điểm đầu tiên và bắt đầu mở lớp, tuyển sinh, quảng cáo và lập cộng đồng. Đối với tôi, khó khăn lớn nhất là vấn đề chuyển đổi mặt bằng. Việc thuê studio theo giờ tuy thuận tiện nhưng lại mất đi tính chủ động và kiểm soát. Bạn không biết khi nào gặp vấn đề và không thuê được nữa.

Có studio tôi mới thuê được một tuần, chủ nhà đã bảo là muốn sang nhượng toàn bộ mặt bằng và tôi phải chuyển đi chỗ khác. Chỗ khác lâu hơn thì cũng chỉ một đến ba tháng là bị lấy lại. Tuy nhiên, tôi may mắn thuê được một mặt bằng ở Khâm Thiên từ năm 2017 đến cuối tháng 5 năm nay.

Ngoài ra, dòng tiền cũng là một trong những mối bận tâm lớn nhất của tôi vì mình phải làm sao để cân đối giữa các bên. Còn chuyện nhân lực, tôi rất may mắn khi tìm được người đồng sáng lập và nhân viên phù hợp qua các mối quan hệ cá nhân hoặc đăng tuyển trên mạng.

Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 3.

Ngày trước, khi Viet Yogi chưa được nhiều người biết đến, anh làm thế nào để thu hút khách hàng? Anh có gọi vốn đầu tư từ bên ngoài không?

Sau khi thuê mặt bằng một hôm, tôi “lôi” em trai đi quay để tạo video marketing đầu tiên. Sau khi đăng video lên Facebook khoảng một tuần, lớp của tôi đã có hơn 20 học viên. Tôi khá bất ngờ khi mọi người đón nhận video của mình.

Ngoài ra, học viên còn đến với tôi qua bạn bè và các mối quan hệ khác. Một số là vì theo dõi website viết về yoga và du lịch. Hồi chưa về Việt Nam, tôi đã lên một số tờ báo trong nước. Chưa kể, một số học viên của tôi còn làm ở đài truyền hình nên tháng đầu tiên, tôi đã lên TV. Từ đó, phần lớn học viên đăng ký đều thông qua marketing truyền miệng. Thời điểm hiện tại, tôi gần như không chạy quảng cáo vì muốn lớp có số lượng ổn định để đảm bảo chất lượng.

Trong các dự án kinh doanh, tôi có gọi vốn từ nhà đầu tư thiên thần, tuy nhiên phần lớn chỉ rơi ở mức vài trăm triệu đồng cho khoảng 10% cổ phần hoặc ít hơn để quyền quyết định không bị “pha loãng”.

Anh có cho rằng bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình không?

Tôi nghĩ sẽ có ảnh hưởng, chưa kể bây giờ chưa biết có đi vào một chu kỳ suy thoái hay không. Giá cả ở Việt Nam đang được phản ánh trong giá thuê mặt bằng và giá xăng là chính. Còn giá thực phẩm có lẽ cũng khiến người dân cảm thấy sự thay đổi. Không ít người đã bắt đầu dè dặt hơn trong chi tiêu.

Chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên đối với các cơ sở của tôi chưa bị ảnh hưởng quá nhiều. Nếu tất cả đều tăng thì học phí có thể sẽ được cân nhắc điều chỉnh. Một phương án là giữ nguyên mức giá nhưng số buổi hoặc thời hạn giảm đi một chút.

Mặc dù vậy, mọi người vẫn rất muốn cải thiện vấn đề sức khỏe, đặc biệt là sau dịch. Tôi coi đây là lợi thế để tận dụng. Nhờ đó, phòng tập mở sau dịch của tôi phần nào gặp thuận lợi vì nhu cầu của mọi người tăng khá mạnh.

Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 4.
Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 5.

Trung tâm luyện tập từng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, anh rút ra bài học gì từ những rủi ro kinh doanh khó lường trước như vậy?

Rất may mắn là chưa có lớp của tôi nào phải đóng cửa. Tôi cho rằng người kinh doanh phải luôn sẵn sàng ứng phó với rủi ro không lường trước được. Quy mô càng lớn càng dễ “sập”. Trước dịch, nhiều người hỏi tôi tại sao không mở rộng, thuê thêm cơ sở và nhân viên. Trong dịch, tôi mới thấy thực sự may mắn vì đã không làm như vậy.

Nhiều chuyên gia tài chính cá nhân khuyên mỗi người nên có một khoản dự phòng cho trường hợp khẩn cấp. Về góc độ kinh doanh, anh có khoản dự phòng nào như vậy không?

Về cá nhân, tôi tiết kiệm được ít nhất là 60 – 80% thu nhập hàng tháng nhưng cũng dành một khoản cho sở thích cá nhân như xe phân khối lớn. Chỉ cần thích một chiếc xe nào đó là nhiều khả năng tôi sẽ đi mua luôn, hoặc suy nghĩ một ngày, một tuần rồi mua. Ngoài ra, tôi cũng thích đi du lịch. Tuy hơi tốn kém nhưng việc đó đem lại nhiều trải nghiệm thú vị. Phần còn lại, tôi rất tiết kiệm.

Về kinh doanh, mỗi tháng, tôi trích từ năm đến mấy chục triệu đồng để cho vào quỹ dự phòng. Cũng may là vẫn chưa gặp vấn đề phát sinh cần dùng đến quỹ đó. Trung tâm mới của tôi mới hoạt động đến tháng thứ 8, mọi thứ vẫn suôn sẻ nhưng chưa biết mọi thứ ra sao nên vẫn cần khoản dự phòng.

Cung cấp dịch vụ luyện tập, tiếp xúc với không ít khách hàng, chắc hẳn anh từng gặp khách hàng khó tính. Anh “deal” với họ như thế nào?

Phần lớn khách hàng của tôi là các chị em phụ nữ, tất nhiên, họ kỹ tính hơn cánh đàn ông. Tuy nhiên điều đó giúp chúng tôi nhận phản hồi “chuẩn” hơn. Ví dụ, con mắt thẩm mỹ, cách giao tiếp của đàn ông và phụ nữ khác nhau, nhìn một căn phòng họ thấy không sạch, trang trí không ổn, sẽ góp ý với mình.

Những ai thực sự quý mến, trân trọng những gì tôi dạy và mang tới cho họ, họ sẽ hiểu và muốn tập với mình. Từ đó, họ cũng dễ thông cảm với mình hơn.

Còn những ai băn khoăn về giá thì cũng không biết làm sao được vì không thể điều chỉnh cho một số người nhất định. Nếu dạy yoga rẻ quá lại ảnh hưởng đến chất lượng, tôi không thể dạy một lớp 50 người được.

Tại Viet Yogi, tôi biết tên và trình độ mỗi người. Tôi xây dựng mối quan hệ với học viên gần như lớp 1-1. Khi được quan tâm, góp ý của họ cũng sẽ có phần nhẹ nhàng hơn so với những người đi học rồi về, giáo viên không biết mình là ai.

Tôi cho rằng “vũ khí” lợi hại nhất của mình trong việc thu hút khách hàng mới trong thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay là giảng dạy có tâm và khả năng truyền đam mê cho học viên.

Nhiều người đi tập không hoàn toàn vì muốn học chuẩn một động tác khó nào đó mà còn vì quan tâm đến việc người thầy dạy như thế nào. Tôi tin rằng với trải nghiệm sống khá phong phú của mình, tôi có thể truyền cho họ cảm giác thích thú khi đi tập.

Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 6.
Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 7.

Hiện giờ anh có thể coi là “tự làm chủ”, thời gian rất linh hoạt. Theo anh, ưu điểm và nhược điểm của việc này là gì?

Đối với tôi, ưu điểm của tự làm chủ là thoải mái, có thời gian để nghĩ và phát triển ý tưởng mới. Có những ý tưởng đến với tôi khi tôi ở trạng thái thoải mái nhất. Còn nhược điểm là khó kiểm soát được tất cả mong muốn của bản thân, chưa tối ưu được giờ giấc. Ví dụ, khi đi làm cho công ty, họ yêu cầu giờ giấc cụ thể, bạn luôn có việc để làm. Nhưng khi làm chủ, đôi lúc bạn vô tình lãng phí thời gian mà không học thêm được gì mới.

Đạt tự do tài chính, nghỉ hưu sớm đang là xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Anh từng nghĩ đến việc đó chưa hay vẫn muốn tiếp tục các dự án kinh doanh?

Tôi nghĩ đạt tự do tài chính là bước khá quan trọng trong cuộc đời nhưng vì mục đích và chi tiêu của mỗi người khác nhau, khả năng kiếm tiền, tài sản thừa kế khác nhau… nên việc đạt tự do tài chính không quan trọng bằng việc tự do về công việc, làm chủ được cuộc sống của mình. Theo tôi, ai cũng nên có thu nhập chủ động và thu nhập thụ động.

Tôi không muốn nghỉ hưu sớm mà muốn tiếp tục dấn thân vào nhiều dự án mới. Có khi đến năm 35 tuổi, tôi lại muốn làm nhiều thứ hơn nữa, tùy thuộc vào sức khỏe, tuổi tác, trình độ và cơ hội của mình.

Founder 9X của Viet Yogi: Bỏ việc tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ về Việt Nam mở trung tâm yoga và ‘cú sốc’ bị đuổi khi mới thuê studio được 1 tuần - Ảnh 8.

Kế hoạch trong tương lai của anh là gì?

Dự định tương lai của tôi là đi du lịch nhiều hơn, học workshop ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tài chính, kinh doanh đến fitness. Hậu đại dịch, các nước gần như đã mở cửa trở lại nên tôi coi đây là cơ hội vừa để học tập vừa để khám phá và có thêm trải nghiệm mới. Sau trung tâm luyện tập mới, tôi dự định tham gia vào mảng kinh doanh dinh dưỡng và quần áo luyện tập.

Từ kinh nghiệm bản thân, anh cho rằng các bạn trẻ đang đi làm nhưng muốn bỏ dở để khởi nghiệp nên làm thêm một thời gian nữa để tích lũy vốn hay bất chấp và nghỉ luôn?

Theo tôi, họ nên chuẩn bị vốn kinh doanh trước. Việc vay nợ khá rủi ro, chẳng may gặp biến cố lại ôm nợ vào người. Ban đầu, vẫn nên có công việc chính. Dự án kia chạy thử một thời gian nếu thấy ổn thì có thể chuyển thành việc toàn thời gian cũng chưa muộn.

Lời khuyên của tôi dành cho những bạn muốn khởi nghiệp là nên thử nhiều thứ, không sợ thất bại, tìm và học hỏi kinh nghiệm từ những người giỏi hơn mình trong ngành đó để tiến bộ nhanh hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!


Cùng chuyên mục

Đọc thêm