Phong cách sống

Ngày đỉnh điểm được mời 8 đám cưới, “chạy sô” 3 tỉnh ăn cưới

Giữa mùa cưới rộn ràng, dù là cô dâu chú rể hay khách mời cũng đều có những vấn đề phải lo lắng. Ở vị trí khách mời, câu chuyện thường gặp là đám cưới của bạn bè, người thân, đồng nghiệp,... tổ chức trùng ngày. Vì chẳng thể phân thân được nên họ chỉ còn 2 phương án: “chạy show” đám cưới hoặc gửi tiền mừng.

Đỉnh điểm 8 đám cưới/ngày

Sở dĩ có chuyện trùng ngày là vì hầu hết các cô dâu chú rể đều chọn tổ chức vào ngày đẹp, đặc biệt là cuối tuần.

Tháng 10 trôi qua, Hoàng Hoa (26 tuổi, Hà Nội, freelancer) không thể đếm hết số lượng thiệp mời đã nhận được. “Đỉnh điểm nhất là vào ngày 30/10 vừa rồi, mình được mời 8 đám cưới và 2 lễ khai trương, tất cả đều thuộc diện ‘cần phải đi’. Thế là hôm đó mình đi 3 tỉnh Hà Nam - Thanh Hóa - Hà Nội chỉ trong 1 ngày để dự 5 đám cưới và 1 lễ khai trương.

Tháng 11 này thì có vẻ dễ thở hơn, từ đầu tháng đến bây giờ (ngày 11/11), mình đã có 5 đám, tính ra hơn 2 ngày/ đám” - cô cho biết.

Ít hơn Hoa nhưng Mỹ Duyên (24 tuổi, đang là giáo viên) cũng phải xếp lịch đám cưới như chạy show. Cô nói: “Hôm nọ mình ngồi tính lại thì nếu không có gì thay đổi, năm nay mình có 25 cái đám cưới. Mà bây giờ mới được 12 đám, từ giờ đến hết năm còn 13 đám nữa. Năm nay là năm đẹp của hội sinh năm 1998 như mình nên bạn bè cưới nhiều lắm, ngày mai (12/11) mình có 2 đám cưới”.

Ngày đỉnh điểm được mời 8 đám cưới, “chạy sô” 3 tỉnh ăn cưới - Ảnh 1.

Mỹ Duyên trong đám cưới bạn thân


Tương tự Duyên, Thanh Hương (28 tuổi) và Hà Chi (24 tuổi), đều là nhân viên văn phòng, cũng có một cuối tuần bận rộn vì đều có 3 đám cưới chỉ trong 2 ngày.

“Ngày cưới chính thức của cả 3 đám đều vào 13/11, không thể đi hết được nên mình chia ra. Ví dụ mình tranh thủ đi đến mừng chiều hôm trước hoặc chỉ dự đưa - đón dâu vì đều là bạn bè thân thiết cả” - Thanh Hương chia sẻ cách xếp lịch đi ăn cưới.

Ngày đỉnh điểm được mời 8 đám cưới, “chạy sô” 3 tỉnh ăn cưới - Ảnh 2.

Thanh Hương


Hà Chi cũng phải chia ca: “Trong 3 đám cưới thì có 1 đám là mình không thể vắng mặt vì vừa là họ hàng vừa là bạn thân. Hai đám còn lại thì mình chia mỗi đám một buổi. Những lần trùng khác thì mình chỉ lựa chọn người cực kì thân để đi chứ không thể đi được hết”.

Tiền lương không đủ tiền mừng cưới

Với lịch trình đi ăn cưới dày đặc như vậy, mùa cưới trở nên tốn kém đủ đường. Điều này càng đúng hơn với các khách mời nữ bởi ngoài tiền mừng, họ còn phải đầu tư vào trang phục, giày dép, nail, trang điểm,...

Hoàng Hoa tiết lộ: “Nếu không thân thì mình mừng 500 nghìn đồng, thân thiết thì khoảng 1 - 2 triệu đồng. Còn những đám cần giữ mối quan hệ thì tiền mừng thật sự… vô chừng. Tính trung bình, chi phí cho một lần dự đám cưới của mình rơi vào khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, trong đó tiền mừng chỉ là phần nhỏ, phần còn lại là trang phục và trang điểm. Nếu mùa cưới diễn ra quanh năm thì lương của mình thực sự không đủ để đi đám cưới”.

Nhưng chưa hết, ngoài việc tốn tiền thì Hoàng Hoa còn tốn cả sức nữa. Sau lần dự 5 đám cưới và 1 lễ khai trương, cô đã ôm một trận ra trò. “Dù trước đó mình đã có quy tắc là với những người trong vòng 6 tháng trở lại không tương tác thì mình đành xin phép vắng mặt, chỉ gửi lời chúc và tiền mừng. Nhưng có thể năm nay là năm đẹp của lứa bạn bè cùng tuổi với mình nên số lượng đám cưới có thể từ chối cũng không nhiều mấy” - Hoa nói thêm.

Ngày đỉnh điểm được mời 8 đám cưới, “chạy sô” 3 tỉnh ăn cưới - Ảnh 3.

(Ảnh: Pinterest)


Thanh Hương lại đối mặt với một áp lực không hề nhỏ khi đi ăn cưới. Đầu tiên là vấn đề tài chính: “Ví dụ mỗi tháng có 4 cái đám cưới, trung bình tiền mừng đều từ 500 nghìn đồng trở lên, bạn thân thì còn hơn nữa nên tính riêng phong bì đã tốn một khoản kha khá. Rồi đám cưới thì phải nghĩ xem mặc váy gì, đeo túi xách thế nào, di chuyển ra sao,... Trước đây mỗi đám cưới là mình thường sắm một bộ mới nhưng bây giờ thì không lo nổi, tiền lương không đủ để đi ăn cưới nữa”.

Một câu chuyện luôn luôn sốt dẻo khác là đi ăn cưới thì bị hỏi bao giờ có người yêu, bao giờ lấy chồng. “Mình trả lời mà muốn đau đầu luôn” - Hương tâm sự.

Đây cũng là những nỗi niềm của Mỹ Duyên: “Tiền đi đám cưới còn nhiều hơn tiền lương đã đành nhưng áp lực nữa là ai cũng hỏi bao giờ được ăn cỗ của mình. Nhìn mình giống người nấu cỗ lắm hay sao?” *cười*

Ngày đỉnh điểm được mời 8 đám cưới, “chạy sô” 3 tỉnh ăn cưới - Ảnh 4.

Ngoài tiền mừng, nhiều khách mời còn tốn tiền trang phục và trang điểm


“Với bạn bè bình thường, nếu đi dự thì mình sẽ mừng 500 nghìn đồng/đám, nếu gửi tiền thì 300 nghìn đồng. Còn bạn thân từ bé, coi nhau như gia đình thì không tính, con số sẽ lớn hơn nhiều. Mỗi lần đi đám tốn thêm 200 nghìn tiền nail và thỉnh thoảng phải chuẩn bị thêm quần áo nữa, có tháng tiền lương không đủ đi ăn cưới” - Hà Chi nói.

Riêng Hà Chi, cô còn bị say xe ô tô nên ưu tiên đi lại bằng xe máy. Trong trường hợp phải đi đám cưới ở tỉnh khác, Chi đều đến trước 1 ngày để nghỉ ngơi, lấy sức rồi mới có thể dự đám cưới.

Mang 2 bộ quần áo để thay nếu đi ăn cưới ngày trong tuần

Bên cạnh việc đám cưới trùng nhau thì đám cưới trùng ngày đi làm cũng là vấn đề của nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng.

Thanh Hương thường sắp xếp công việc và xin nghỉ làm để đi đám cưới: “Mình có khá nhiều bạn bè thân thiết, toàn ‘chị em guột’ với nhau mà không đi được cũng ngại nên phải cố sắp xếp. Nếu đi ăn cưới 1 buổi còn đi làm 1 buổi thì mình sẽ có 2 cách xử lý, hoặc là vẫn gắng để lung linh nhất có thể, hoặc là mang theo 2 bộ đồ khác nhau để thay”.

Ngày đỉnh điểm được mời 8 đám cưới, “chạy sô” 3 tỉnh ăn cưới - Ảnh 5.

Thanh Hương sẵn sàng mang 2 bộ quần áo để thay nếu ngày đi ăn cưới trùng với ngày đi làm


Trong khi đó trang phục đi đám cưới của Hà Chi vẫn lịch sự, nhã nhặn như lúc đi làm nhưng cô cũng khá ngại nếu được mời cưới trong tuần. “Nếu mời vào ngày đi làm mà không đến mức sống chết bên nhau thì mình gửi hết” - Chi nói.

Với Hoàng Hoa, do tính chất công việc linh động, có thể tự sắp xếp nên không cần phải xin nghỉ nếu được mời đám cưới vào ngày đi làm. Thế nhưng do có nhiều công việc phải làm nên quỹ thời gian của cô cũng khá eo hẹp, không tiện đi đám cưới trong tuần.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm