Chứng khoán Việt Nam đi ngược diễn biến toàn cầu
Trước tiên, về tổng quan, chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần kém sắc khi giá vỡ vùng hỗ trợ 960 – 980 điểm được giới phân tích đưa ra trước đó. Mức định giá P/E của thị trường về dưới ngưỡng 10 lần.
Đóng cửa tuần, VN-Index ở 954,53 điểm, giảm 4,27% so với cuối tuần trước đó, thấp hơn mức giảm 4,92% của chỉ số VN30. Trong khi đó HNX-Index và UPCoM-Index mất lần lượt 7,21% và 7,59%. Những mã tác động lớn nhất đến đà giảm của VN-Index là NVL, PDR, HPG, EIB. Cổ phiếu NVL và PDR giảm sàn trong toàn bộ phiên giao dịch tuần này.
Quan sát xu hướng toàn cầu, VN-Index đi ngược đà tăng của chứng khoán thế giới. Hai chỉ số chứng khoán Mỹ là S&P 500 và Dow Jones tăng 5,9% và 4,15% trước tín hiệu tích cực về triển vọng vĩ mô. Trong khu vực châu Á, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 5,74%, thu hẹp đà giảm từ đầu năm xuống còn 16,61%. Chứng khoán Nhật Bản tăng 3,91%, Thái Lan (0,67%), Indonesia (0,62%).
Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), việc chỉ số chứng khoán Việt Nam lệch pha so với các thị trường thế giới đến từ rủi ro mất thanh khoản của một số cổ phiếu bất động sản lớn khi hoạt động bán giải chấp (margin call) xuất hiện.
Khối tự doanh thu hẹp quy mô mua ròng
Điểm tích cực tuần này là dòng tiền khi giá trị giao dịch cổ phiếu tăng nhẹ so với tuần trước đó. Quy mô giao dịch cổ phiếu bình quân phiên trong tuần là hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 0,48%. Trong khi sàn HOSE giảm 0,93%, mức tăng của sàn HNX và thị trường UPCoM là 15,05% và 10,22%.
Trong khi dòng tiền nội đuối dần, khối ngoại đảo chiều mua ròng đột biến trên thị trường. Tổng giá trị mua ròng cổ phiếu riêng trên sàn HOSE là 3.803 tỷ đồng, HNX (353 tỷ đồng) và UPCoM (78 tỷ đồng). Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán giảm quy mô mua ròng cổ phiếu xuống còn gần 195 tỷ đồng, đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp.
Cụ thể, khối tự doanh CTCK mua ròng 152,4 tỷ đồng trên HOSE. Nếu tính riêng qua kênh khớp lệnh, khối tự doanh mua ròng hơn 925 tỷ đồng, tương đương quy mô 964 tỷ đồng của tuần (31/10 – 4/11). Về tổng quan, lực mua trên sàn này đạt 1.677 tỷ đồng, tương đương tuần trước trong khi giá trị bán tăng từ gần 672 tỷ đồng lên 1.524 tỷ đồng.
Sàn HNX ghi nhận tuần bán ròng thứ ba liên tiếp với giá trị 8,5 tỷ đồng, Khối tự doanh đảo chiều mua ròng 51 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền, khối tự doanh bán ròng 924 tỷ đồng, ghi nhận tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp. Tổng giá trị bán ròng trong giai đoạn 26/9 – 11/11 đạt gần 3.100 tỷ đồng.
Mã chứng khoán nào được mua/bán nhiều nhất?
Thống kê chi tiết theo từng mã, ba chứng chỉ quỹ ETF nội là FUEVFVND, E1VFVN30 và FUESSVFL dẫn đầu về quy mô bán ròng, lần lượt là 361 tỷ đồng, 342 tỷ đồng và 220 tỷ đồng. Không có ETF nội nào lọt top mua ròng.
Với giao dịch cổ phiếu, mã KDH dẫn đầu giá trị bán ròng với gần 164 tỷ đồng, theo sau là GMD (139 tỷ đồng), TCB (132,6 tỷ đồng). Những mã còn lại bị bán ròng với giá trị dưới 65 tỷ đồng như TPB (61 tỷ đồng), TDP (53 tỷ đồng), CTG (44,5 tỷ đồng), MSB (38,5 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là tâm điểm. Mã EIB của Eximbank dẫn đầu với hơn 139 tỷ đồng, kế đến là KBC (133 tỷ đồng). Ngoài ra, khối tự doanh còn mua ròng nhẹ các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB (37,8 tỷ đồng), STB (33,8 tỷ đồng), VPB (32,2 tỷ đồng).
Ba cổ phiếu chứng khoán được mua ròng là SSI (77 tỷ đồng), VND (41,2 tỷ đồng), VCI (39,8 tỷ đồng). Top10 mã được mua nhiều nhất còn có HPG (39,2 tỷ đồng), ACB (31,5 tỷ đồng).
Giao dịch phái sinh của khối tự doanh giảm, ưu tiên vị thế Mua (Long)
Giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh, tổng giá trị giao dịch tuần này đạt 24.379 hợp đồng, tương đương giá trị 2.346 tỷ đồng, giảm 29% và 32% so với tuần trước.
Ở từng vị thế, khối tự doanh mở 13.411 hợp đồng vị thế Mua (Long) với giá trị 1.287 tỷ đồng và 10.968 hợp đồng vị thế Bán (Short) với giá trị 1.059 tỷ đồng.