Thời sự

FDI ghi dấu ấn ở nhiều mặt hàng xuất khẩu, giúp Việt Nam thành trung tâm sản xuất hàng điện tử toàn cầu

"Khi nghĩ đến những câu chuyện thành công về các nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI, Việt Nam là một ví dụ nổi bật", HSBC cho biết trong báo cáo mới đây.

Nhóm phân tích nhấn mạnh Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.    

Theo báo cáo của WTO, năm 2022, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Thị phần tăng lên đáng kể từ 0,9% năm 2000 lên 6,1% năm 2022. 

Với da giày, năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu với khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020, đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày, chỉ sau Trung Quốc. 

Trong khi đó, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam.  

 

FDI đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu

Đến nay, tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 460 tỷ USD, giải ngân thực tế gần 292 tỷ USD. Nhiều năm qua dòng vốn đầu tư nước ngoài góp phần lớn vào thành tích xuất khẩu, thể hiện qua tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm, từ hơn 40% năm 2009 lên hơn 73% năm 2022.

 

Khối FDI cũng ghi dấu ấn ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện của doanh nghiệp FDI chiếm 97 - 99% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác của khối FDI chiếm 91%; xuất khẩu hàng dệt may và giày dép các loại lần lượt chiếm 60% và 81%.  

 

FDI giúp Việt Nam thành trung tâm sản xuất hàng điện tử toàn cầu    

"FDI vào Việt Nam luôn cao trong một thập niên qua, góp phần giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất hàng điện tử toàn cầu", báo cáo phân tích của HSBC nhấn mạnh.

Quay trở lại thời điểm trước, phần lớn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các lĩnh vực tạo giá trị cộng thêm thấp như dệt may và giày dép. Tuy nhiên hai thập niên gần đây, Việt Nam đã tiến lên trong chuỗi giá trị, trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 112 tỷ USD trong năm 2022, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Vào 20 năm trước, tỷ trọng này chỉ chiếm 5%.   

So sánh với các nước trong khu vực, tỷ trọng FDI trên GDP của Việt Nam cũng nổi bật hơn cả. Từ 2010, dòng chảy FDI mới vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực sản xuất, vẫn luôn chiếm 4 - 6% GDP.

 

Sự thành công trong lĩnh vực công nghệ phần nhiều là nhờ vào nguồn FDI nhiều năm của Samsung tại Việt Nam kể từ cuối những năm 2000.

Với tổng đầu tư khoảng 18 tỷ USD trong những năm qua, Samsung hiện nay sở hữu tám nhà máy và một trung tâm R&D tại Việt Nam, bao gồm hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, cung cấp phân nửa sản lượng điện thoại thông minh và máy tính bảng của hãng.

Động thái của Samsung đã thúc đẩy những người khổng lồ công nghệ khác, như Google và LG, chuyển chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam.

Xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, không chỉ nâng cao sản lượng xuất khẩu của Việt Nam mà còn gia tăng dòng chảy FDI vào trong nước.

Mặc dù quá trình này phần nào bị gián đoạn do COVID-19, FDI vào Việt Nam vẫn rất ổn định, cụ thể trong những khu vực sản xuất liên cung ứng cho Apple. Ví dụ, hai nhà cung ứng của Apple, Pegatron và Foxconn, và hai nhà lắp ráp Luxshare và Goertek, đều đã công bố các kế hoạch đầu tư lớn nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam.       

Cùng chuyên mục

Đọc thêm