Trong báo cáo quan điểm đầu tư tháng 6, CTCP Chứng khoán Everest (EVS) giữ quan điểm lạc quan về lạm phát của Việt Nam năm nay.
Báo cáo cho biết giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao lên vùng giá 120 USD/thùng bất chấp nhu cầu tiêu thụ dầu có xu hướng giảm vào mùa hè, khiến giá xăng RON95 trong nước đã tăng lên mức kỷ lục.
Do đó, nhóm giao thông tiếp tục là khấu phần có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, nhờ giá nguyên vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép) có xu hướng giảm nhẹ khiến ảnh hưởng của nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng có xu hướng giảm.
EVS nhận định lạm phát được kiểm soát tốt hơn kỳ vọng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,29% của bình quân 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1%.
Trước áp lực lạm phát nửa cuối năm 2022 vẫn ở mức cao khi giá dầu thô thế giới không có xu hướng giảm, rất nhiều các đề xuất đã được đưa ra nhằm hạn chế tác động tiêu cực lên chi phí sản xuất, bao gồm: tiếp tục giảm thuế/phí giá dầu; trích lập phần vượt thu NSNN từ xuất khẩu dầu thô vào quỹ Bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát,…
Trước đó trong báo cáo hồi tháng 5, công ty này dự báo CPI năm nay sẽ ở mức 4 – 4,5%.
Báo cáo còn đề cập đến mức tăng ấn tượng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tháng 5 tăng 4,2% so vói táng 4 và tăng 22,6% so với cùng kỳ), phản ánh độ bật cao của cầu nền kinh tế vốn đã bị dồn nén mạnh trong 2 năm đại dịch vừa qua. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước đã chính thức vượt qua ngưỡng trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong giai đoạn còn lại của năm.
Nói về ngành sản xuất, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam tháng 5 tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm – 54,7 điểm.
Kết quả này được phản ánh qua cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều ghi nhận ở mức cao, hoạt động mua hàng và tuyển dụng cũng được đẩy mạnh.
Các chuyên gia của EVS đề cập đến một vài điểm cần lưu tâm. Cụ thể, vấn đề rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, trong khi đó tình trạng áp dụng các biện pháp phong tỏa do đại dịch tại Trung Quốc đã kìm hãm đà xuất khẩu của đất nước tỷ dân, điều này dẫn tới việc chậm chễ trong khâu lưu chuyển hàng hóa, kết hợp với cầu nội địa Việt Nam tăng mạnh khiến lượng hàng tồn kho hàng hóa/thành phẩm tại Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ.