Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch đã kéo theo là sự khởi sắc của nhiều ngành nghề kinh doanh và dịch vụ, đặc biệt tại những thành phố du lịch.
Hàng loạt biển hiệu cho thuê cửa hàng, cửa đóng then cài, phố xá đìu hiu, đó là hình ảnh của phố cổ Hà Nội 1 năm về trước. Còn hiện tại, có những tuyến phố ở vị trí đắc địa như phố Đinh Liệt thậm chí không còn nhà nào treo biển cho thuê.
"Lượng khách tập trung ở đây đông hơn các khu khác. Trước mình cũng có cửa hàng cũ ở số 7A Đinh Liệt, nhưng vì bây giờ giá mặt bằng lên cao quá nên mình không tiếp tục thuê bên đó được, mình chuyển sang số 9 này. Mặc dù nó nhỏ nhắn hơn một chút nhưng mình nghĩ mình lên muộn hơn một chút thì sẽ không còn mặt bằng để thuê ở phố này nữa", chị Đặng Thị Hiền, Công ty Du lịch Mặt trời Đại dương, phố Đinh Liệt, Hà Nội, chia sẻ.
Một quán cà phê nhỏ trên phố Cầu Gỗ, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Bóng dáng du khách xuất hiện trên phố cổ cũng mang tới sự "hồi sinh" cho những cơ sở kinh doanh vốn phụ thuộc phần lớn vào khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế như: cửa hàng đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, công ty bán tour du lịch hay các tiệm spa.
"Mở cửa trở lại thì ngành spa của chúng tôi đã sống dậy và phát triển hơn. Lượng khách đạt 95%, lúc chưa dịch chủ yếu là khách Hàn Quốc, khách Nhật và khách nước ngoài", anh Nghiêm Xuân Bắc, Quản lý Blue Spa, phố Hàng Bè, Hà Nội, cho hay.
"Mua sắm ở phố cổ Hà Nội rất độc đáo và thú vị vì ở đây tập trung rất nhiều cửa hàng với những mặt hàng mang đậm dấu ấn Việt Nam dành cho du khách, nên tôi thấy rất tiện ích và dễ dàng chọn được đồ ưng ý", ông Suzuki, du khách Nhật Bản, bày tỏ.
Bên cạnh khách quốc tế, những đoàn khách trong nước cũng góp phần sống dậy không khí náo nhiệt của phố cổ. Nhiều khách sạn, quán xá như tìm lại được cảm giác "đông khách, đắt hàng" của thời "hoàng kim" trước dịch.
"Gần đây khách nước ngoài rất đông. Không chỉ khách nước ngoài, mà khách Việt cũng tìm đến trên nền tảng TikTok và mạng xã hội khác. Thậm chí nhiều khi trời nóng, mọi người chấp nhận ngồi ban công bên ngoài không vấn đề gì cả. Doanh thu của quán tương đối ổn định trở lại sau những ngày dịch", anh Mai Đức Anh, Quản lý quán Ban Công, phố Đinh Liệt, Hà Nội, cho biết.
"Amazing Hà Nội" - tấm biển hiệu này như một nhân chứng, chứng kiến 2 sắc thái đối nghịch trước và sau đại dịch của phố cổ Hà Nội.