Giá nhiên liệu tăng, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khan hiếm khiến giá đầu vào của nhiều ngành hàng sản xuất, chế tạo, chế biến trong nước tăng cao. Thực tế này khiến một số doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để duy trì sản xuất.
Phóng viên VTV đã tham khảo ý kiến của người dân ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để xem mọi người đang phải thích ứng như thế nào trong bối cảnh nhiều thứ tăng giá như hiện nay.
"Khi chi phí cuộc sống tăng lên sẽ ảnh hưởng một phần đến tiền hàng tháng như điện, nước. Tôi phải đưa thêm cho vợ tôi các khoản chi phí...", anh Trần Văn Thu, huyện Mê Linh, Hà Nội, chia sẻ.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Chi phí đi lại về thăm quê, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày đều tăng lên khoảng 20 - 30%. Hầu hết dịch vụ liên quan đều tăng theo. Thu nhập hiện nay thì không thay đổi so với những năm trước, như vậy sẽ giảm mức sống của mình đi rất nhiều", anh Nguyễn Văn Quang, quận Hà Đông, Hà Nội, cho hay.
"Khó khăn nhưng vẫn phải ăn, phải sống. Vẫn phải mua bán sinh hoạt nên mình phải dè sẻn lại. Tùy theo đồng lương mình mua bán mà sống. Người lớn dè sẻn được thì ưu tiên cho bé. Mua đồ thì chủ yếu là mua cho các cháu, người lớn chỉ ăn phụ thôi. Chi tiêu dè sẻn là như vậy", bà Trần Thị Thanh Hà, quận 7, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
"Thịt, rau thường giảm giá vào cuối ngày hoặc cuối tuần, cuối tháng, em hay chọn mua vào thời điểm đó vì giá rẻ hơn", em Bùi Hải Linh, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, nói.
Giải pháp khắc phục sức mua yếu, giá đầu vào cao
Người dân đắn đo kỹ trước khi tiêu dùng, còn doanh nghiệp cũng phải linh hoạt thích ứng. Trước tình hình sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã tìm các giải pháp, cố gắng tăng giá bán ở mức thấp nhất để thị trường không thiết lập mặt bằng giá mới, đồng thời tích cực khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Giá xăng dầu liên tục tăng và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gấp 40%, nhưng Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chỉ tăng giá trứng chưa tới 10% đối với trứng loại 1, tức là 2.000 đồng/vỉ trứng.
"Trong giai đoạn nhạy cảm này, với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, những doanh nghiệp bình ổn như chúng tôi muốn phát huy vai trò để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng ", ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh tháng 5 ước đạt 57.800 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước. Không thiết lập hoàn toàn mặt bằng giá mới tất cả các mặt hàng, mà chỉ tăng một số mã hàng có chi phí tăng cao vượt trội chính là giải pháp cho sức mua yếu của doanh nghiệp.
"Phải tiết kiệm chi phí, phải khống chế đủ thứ, từ chi phí quảng cáo, chi phí sản xuất và lợi nhuận mới đưa ra được những mặt hàng có giá như vậy", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh tổ chức tháng khuyến mại tập trung vào giữa năm tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, mục tiêu là khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Đến thời điểm này, Ban tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung năm 2022 ghi nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã đăng ký tham gia giảm giá từ 70 - 80%, giá trị hàng hóa khuyến mại lên đến 100%, với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng.