Công nghệ

Elon Musk bị chê không phù hợp điều hành Twitter

"Hãy để ai đó am hiểu truyền thông làm việc với các nhà quảng cáo và báo giới, cũng như trở thành bộ mặt của công ty. Tôi nghĩ ông ấy đã quá tự tin trong lĩnh vực không phù hợp với khả năng của bản thân", Ross Gerber, người đứng đầu công ty đầu tư Gerber Kawasaki Wealth Management, nói với Bloomberg.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk hồi năm 2018. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Mỹ Elon Musk hồi năm 2018. Ảnh: Reuters

Công ty của Gerber nắm giữ 0,01% cổ phiếu tại Tesla, nhưng ông luôn được coi là người đại diện công khai cho giới đầu tư trước những lo ngại về hướng đi của hãng sản xuất xe điện và khả năng điều hành của tỷ phú Mỹ. Giá trị Tesla đã sụt giảm hơn 60% kể từ đầu năm, Musk cũng bán một phần không nhỏ cổ phiếu của mình để lấy tiền phục vụ cho thương vụ Twitter.

Gerber thời gian qua liên tục chỉ trích Musk, trong đó cho rằng ban lãnh đạo của Tesla cần "xốc lại đội ngũ" sau khi giá cổ phiếu lao dốc. Tỷ phú Mỹ cũng đáp trả trên mạng xã hội rằng Gerber cần "đọc sách giáo khoa cơ bản về phân tích chứng khoán".

Dù vậy, nhà đầu tư này tin Tesla vẫn có thể phát triển mạnh mẽ và ủng hộ Musk điều hành công ty. "Tesla đang là công ty có tác động lớn nhất lịch sử. Tôi nghĩ những lùm xùm này sẽ biến mất trong 6 tháng tới", ông nói.

Trước đó, trang công nghệ Wired cũng nhận định đây không phải giai đoạn phù hợp để người giàu nhất thế giới phân tâm khỏi Tesla - doanh nghiệp giá trị nhất của ông. Công ty đang gặp sức ép cạnh tranh từ nhiều hãng xe, cũng như ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung và thị trường Trung Quốc.

Việc Musk một mình điều hành Twitter được cho là có thể khiến ông quá tải, gây ảnh hưởng tới hiệu suất. Chris Sacca, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Twitter, đánh giá Musk cần xây dựng một đội ngũ cấp dưới sẵn sàng phản bác cấp trên, vì những vấn đề của công ty hiện nay quá lớn để tỷ phú Mỹ có thể tự xử lý. "Thực tế phũ phàng là Elon đang đơn độc và phải tự giải quyết mọi thứ", Sacca nhận xét.

Từ khi tiếp quản Twitter cuối tháng 10, cách điều hành của Elon Musk cũng gây nhiều tranh cãi. Ông sa thải một nửa số nhân viên, khiến người dùng bất bình khi liên tục thay đổi chính sách về khóa tài khoản, chặn đường link bên ngoài, tăng giá dịch vụ Twitter Blue... Hàng chục thương hiệu lớn cũng đang ngừng quảng cáo vì sự bất ổn của nền tảng.

Ngoài mạng xã hội mới mua, Musk còn giữ vai trò chủ chốt tại các công ty khác như Tesla, SpaceX, The Boring Company. Theo Bloomberg, cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Tesla đã giảm 57% năm nay, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng Musk sao nhãng điều hành Tesla.

Ngày 21/12, Musk tuyên bố sẽ từ bỏ vị trí CEO Twitter nếu có người phù hợp. "Vấn đề không phải là tìm một CEO, mà tìm một CEO có thể giữ Twitter tồn tại", ông nói.

(theo Bloomberg, Wired)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm