Bất động sản

Dưới 2 tỷ đồng, mua nhà phố ở TP.HCM thế nào?

Nhu cầu sở hữu nhà tại TP.HCM luôn rất lớn. Với số tiền dưới 2 tỷ đồng, người dân có thể mua được những căn chung cư cũ hoặc căn hộ 1 phòng ngủ. Tuy nhiên, với phân khúc nhà phố thì sự lựa chọn cũng không phải là ít.

Dưới 2 tỷ đồng, mua nhà phố ở TP.HCM thế nào? - Ảnh 1.

Nhà phố dưới 2 tỷ đồng còn khá nhiều ở TP.HCM.

Anh Nguyễn H. cho biết, đang rao bán căn nhà diện tích 28 m2 ở hẻm 100 đường số 8 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân). Căn nhà này có 3 phòng ngủ, hẻm trước nhà rộng 3,5 m.

Nhà tôi được cấp sổ hồng năm 2014 nhưng đây là sổ hồng chung. Nhà được thi công, sửa sang lại năm 2020. Tôi bán giá 1,65 tỷ đồng có thương lượng với khách thiện chí ”, anh H. nói.

Anh Lê Hoàng L. chia sẻ, anh đang bán căn nhà 2 tầng, diện tích 24 m2 nằm trên đường Ba tháng Hai, phường 14, quận 10. Căn nhà có hai phòng ngủ và được chốt giá 1,78 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của PV VTC News tại TP.HCM, nếu muốn sở hữu nhà dưới 2 tỷ đồng với diện tích lớn, người mua có thể chọn những căn nhà cách xa trung tâm thành phố. Điển hình như căn nhà của ông Nguyễn Xuân T. trên đường Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) đang được rao bán với giá 1,6 tỷ đồng. Căn nhà này có diện tích 36 m2 và được xây 2 tầng.

Còn căn nhà 2 tầng của anh Thành P. ở đường HT07 (phường Hiệp Thành, quận 12) có diện tích 58 m2 và đang được rao bán với giá 1,5 tỷ đồng. Sở dĩ căn nhà này có giá “mềm” vì pháp lý là sổ hồng chung.

Dưới 2 tỷ đồng, mua nhà phố ở TP.HCM thế nào? - Ảnh 2.

Nhà dưới 2 tỷ đồng ở TP.HCM thường có diện tích nhỏ hoặc có sổ hồng chung. (Ảnh: Đ.V)

Trả lời VTC News, chuyên gia bất động sản Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) nhận định, người dân mua nhà sổ hồng chung sẽ gặp rủi ro cao, bởi sẽ không lường trước được những tranh chấp xảy ra trong tương lai.

Nếu mua nhà sổ hồng chung thì vấn đề là ai sẽ là người cầm sổ. Nhiều người cùng đứng tên trong sổ thì việc mua bán, chuyển nhượng sẽ gặp những rào cản nếu một trong những đồng chủ sở hữu gặp rắc rối với pháp luật hoặc nợ nần, tranh chấp ”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm với ông Thành, chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, với những loại hình bất động sản đồng sở hữu thì rủi ro về mặt giao dịch là rất lớn. Khi cần mua bán, sang nhượng, thế chấp thì người dân sẽ bị hạn chế quyền khá nhiều, kể cả tập thể sở hữu bất động sản đó.

Mua nhà đồng sở hữu thì mua bán rất khó, kẹt tiền cũng không thể thế chấp vay mượn. Nếu một trong những người đồng sở hữu có rủi ro về pháp lý hay vướng tranh chấp hoặc tử vong thì vấn đề giao dịch sẽ rất phức tạp ”, ông Phong chia sẻ.

Bên cạnh đó, mua nhà sổ hồng chung cũng sẽ gặp nhiều hạn chế khác, điển hình như việc nhiều căn nhà cùng một địa chỉ sẽ được cấp một đồng hồ nước, một đồng hồ điện. Như vậy, mức sử dụng điện, nước sẽ cao hơn bình thường dẫn đến việc người dân phải trả chi phí sinh hoạt cao hơn so với những hộ dân khác.

Những căn nhà có sổ hồng chung cũng sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng, phá vỡ kế hoạch sử dụng đất và xây dựng của địa phương.

Theo ông Phong, trên thực tế, nhiều người vẫn chấp nhận mua nhà sổ hồng chung với những rủi ro song hành vì giá trị của những căn nhà này phù hợp với túi tiền của họ. Trong tương lai, những căn nhà sổ hồng chung sẽ vẫn tồn tại vì không trái với pháp luật về đất đai, không trái với pháp luật về nhà ở.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm