Sáng nay (11/8), khi tham gia giao thông, nhiều người Hà Nội bất ngờ khi thấy trời mù mịt, cảm giác như sương mù bao phủ khắp nơi, tầm nhìn hạn chế.
Theo ghi nhận của nhiều hệ thống quan trắc, sáng nay, Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng với nhiều điểm đo ghi nhận ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người), cá biệt một vài điểm đo lên ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Hệ thống quan trắc không khí PAM Air ghi nhận nhiều điểm đo lên ngưỡng đỏ trong sáng nay, cá biệt một số điểm đo lên ngưỡng tím như điểm đo tại Đại học Quốc gia Hà Nội (Quận Cầu Giấy), điểm đo tại khu Trung Hòa Nhân Chính (quận Thanh Xuân).
Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ghi nhận các điểm đo ở màu cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí ở các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội chịu sự chi phối mạnh của yếu tố thời tiết.
Theo quy luật, các ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng chủ yếu xảy ra vào mùa đông, trong những ngày thời tiết có yếu tố nghịch nhiệt, khiến chất gây ô nhiễm không phát tán được mà đọng lại gần mặt đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Vào mùa mưa, theo TS Tùng rất ít khi nhận các trường hợp ô nhiễm rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi Hà Nội vừa trải qua một trận mưa trong ngày hôm nay. Vì thế ô nhiễm không khí sáng nay là khá bất thường.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo hôm nay, Hà Nội nhiều mây, có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa đến mưa to. Mưa dông dự báo sẽ giúp chất lượng không khí của Hà Nội được cải thiện.
Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua. Trong đó, ô nhiễm cao điểm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh.
Theo báo cáo môi trường quốc gia 2016-2020, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2,5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.
Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.
Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày ô nhiễm, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, vận động, tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.