Chứng khoán

SSI Research gợi ý các cơ hội đầu tư cho tháng 8

Báo cáo chiến lược tháng 8 của SSI Research công bố mới đây chỉ ra, tâm lý đầu tư tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 7 và dòng tiền giải ngân tích cực hơn vào các tài sản rủi ro.

Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục quán tính tăng mạnh và tăng vượt trội so với nhiều thị trường khác, động lực tiếp tục đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế, bên cạnh chính sách tài khóa dần đi vào thực tiễn.

Cũng theo các nhà phân tích, bức tranh lợi nhuận quý II/2023 chưa thật sự tăng tốc trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, tuy nhiên tốc độ giảm đã thu hẹp đáng kể và đà giảm đã chậm lại trong 3 quý liên tục với khả năng tạo đáy, cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần phản ánh vào nỗ lực hồi phục của các doanh nghiệp.

Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy sau khi tiếp giáp vùng 1.220 - 1.230, VN-Index chưa có dấu hiệu suy yếu sau quá trình tăng trưởng bắt đầu từ tháng 6/2023. Nhịp tăng trưởng khả năng sẽ tiến tới mục tiêu trung hạn 1.295 - 1.305 trong tháng 8/2023. Khi diễn ra điều chỉnh ngắn hạn, 1.160 -1.180 là vùng cần chú ý.

Sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận trong hai quý cuối năm đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng ổn định trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu và thị trường chứng khoán có thể có những biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới.

Nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng biến động ngắn hạn của thị trường để tích lũy các cổ phiếu trong sách theo dõi là chiến lược sẽ phát huy hiệu quả trong bối cảnh hiện tại. Danh sách cơ hội đầu tư cho tháng 8 của SSI Research gồm MWG, DCM, QNS, HHV, BID và CTG. 

MWG

(Ảnh: Thu Thảo).

Theo SSI Research, nhu cầu điện thoại và điện máy của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh sẽ phục hồi dần từ 6 tháng cuối năm 2023, bên cạnh đó doanh thu trên cửa hàng Bách Hóa Xanh cải thiện liên tục trong các tháng 4 - 6, do đó giúp cải thiện biên lợi nhuận.

SSI Research kỳ vọng doanh thu trên cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục cải thiện trong 6 tháng cuối 2023 và 2024, giúp chuỗi Bách Hóa Xanh đạt điểm hòa vốn trong 2024 và được định giá lại ở mức cao hơn. Sau khi chuỗi này đạt điểm hòa vốn, MWG sẽ đẩy nhanh tiến độ mở mới cửa hàng giúp công ty duy trì tăng trưởng về dài hạn.

Lợi nhuận 2023 - 2024 ước tính đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ và 5 nghìn tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ.

DCM

Giá ure đã tạo đáy trong tháng 6 và dự kiến sẽ phục hồi dần vào các tháng cao điểm cuối năm, qua đó thúc đẩy doanh thu tăng trở lại. Giá ure tại Việt Nam chỉ mới phục hồi 3% từ đáy trong tháng 7, chậm hơn các thị trường quốc tế. Nhóm phân tích dự báo giá ure tại Việt Nam sẽ dần bắt kịp đà phục hồi của giá ure thế giới (chủ yếu là giá ure Trung Quốc).

Trong 6 tháng đầu năm, DCM tạm tính giá khí đầu vào ở mức cao. Theo ban lãnh đạo chia sẽ, DCM có khả năng được hồi tố chi phí khí đầu vào trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, nhà máy ure của DCM sẽ hết khấu hao từ quý IV/2023, giúp DCM giảm chi phí đáng kể.

Giá ure hồi phục, chi phí khí đầu vào có thể được hồi tố và chi phí khấu hao giảm sẽ giúp lợi nhuận của DCM phục hồi trong 6 tháng cuối năm và 2024. SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế 2023 - 2024 có thể đat 1,2 nghìn tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ và 2,46 nghìn tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ.

QNS

(Ảnh: Thu Thảo). 

QNS ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục tại quý II năm 2023. Giá đường nội địa tiếp tục xu hướng tăng tại đầu quý III năm 2023. Trong bối cảnh việc kiểm soát đường nhập lậu tích cực và chính sách phòng vệ được áp dụng, SSI Research ước tính giá đường nội địa sẽ tiếp tục neo ở mức cao và theo cùng xu hướng giá đường thế giới trong năm 2023, khi đường nhập khẩu vẫn chiếm 2/3 nguồn cung đường Việt Nam.

Tiêu thụ sữa đậu nành kỳ vọng được hỗ trợ từ nửa sau năm 2023 nhờ vào giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và ra mắt sản phẩm sữa đậu nành mới. Ngoài ra, QNS cũng đã chốt được 70 - 80% nguyên liệu đậu nành giá thấp hơn cho năm sau, do đó, sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận QNS cho năm 2024.

Mặt khác, QNS có dòng tiền hoạt động kinh doanh tích cực và có tỷ suất cổ tức hàng năm ở mức 6%, dự kiến sẽ tạm ứng chi trả cổ tức tiền mặt từ lợi nhuận 2023 trong quý III.

HHV

HHV ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục vào quý II/2023. Bên cạnh đó, công ty ghi nhận khối lượng backlog lớn từ các dự án đầu tư công. Tổng giá trị backlog đến tháng 6/2023 đạt 4.000 tỷ đồng, gấp 8 lần doanh thu xây lắp trung bình giai đoạn 2018 - 2022, chủ yếu từ các dự án đường ven biển Bình Định, Cao tốc Cam Lâm Vĩnh Hảo (đã hoàn thành 95% khối lượng công trình), Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

Nhóm phân tích đánh giá, doanh thu hoạt động xây lắp dự kiến đạt 990 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ trong năm 2023 và 1.431 tỷ đồng, tăng 43% trong năm 2024. Biên lợi nhuận gộp hoạt động xây dựng dự kiến đạt 9 - 10%.

Cùng với đó, 3 dự án BOT của HHV đem lại doanh thu ổn định, trung bình mỗi năm đạt 1.400 tỷ đồng. Trong đó, lưu lượng xe qua các trạm BOT của HHV tăng trưởng trung bình 3 - 5% và giá vé tăng trung bình 8 - 15% trong giai đoạn 3 năm.

HHV hiện có 19.615 tỷ đồng nợ vay dài hạn, chiếm 95% tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của công ty. Tỷ lệ D/E đạt 2,44x. Theo chia sẻ từ ban quản lý của công ty, trong năm 2023 lãi suất vay đã giảm từ mức trung bình 9,5% đầu năm 2023 xuống 9% vào quý II/2023. SSI Research đánh giá chi phí lãi vay giảm 98 tỷ đồng từ việc giảm lãi suất vay.  

BID

(Ảnh: Thu Thảo). 

Dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản & đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại BID chỉ ở mức 2 - 3% tổng dư nợ. Do đó, ngân hàng ít phải chịu áp lực từ những biến động hiện tại ở hai thị trường này.

Bên cạnh đó, BID nằm trong Top 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành và nằm trong Top 4 ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất ngành. Do đó, BID vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện NIM và đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tốt trong 2023, tăng 19,4% so với cùng kỳ.

Mức định giá của BID đã hấp dẫn hơn so với trong quá khứ với P/B và ROE lần lượt là 2,1x và 19%. Chỉ số này năm 2020 là P/B 2,5x và ROE 9,3%.

Yếu tố hỗ trợ về dài hạn là ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 9% vốn điều lệ. SSI kỳ vọng thương vụ này có thể có tiến triển rõ ràng hơn trong nửa cuối 2024. Bên cạnh đó, BID vẫn còn có yếu tố hỗ trợ từ thương vụ bancassurance độc quyền trong tương lai khi ngân hàng hoàn tất việc tái cấu trúc mảng hoạt động này.  

CTG

(Ảnh: Thu Thảo).

Kết thúc quý II/2023, CTG ghi nhận 12,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Ngân hàng duy trì được tỷ lệ NIM khá tốt, chỉ giảm nhẹ 4 điểm cơ bản so với quý I/2023.

Bên cạnh đó, CTG cũng tích cực trong việc xử lý rủi ro 13,7 nghìn tỷ nợ xấu và mạnh tay trích lập dự phòng thêm 13,2 nghìn tỷ trong nửa đầu năm 2023. Qua đó, tỷ lệ NPL được duy trì ở mức 1,27% và tỷ lệ bao nợ xấu cao thứ hai toàn ngành (169%, sau VCB).

CTG đang được giao dịch với P/B 2023 ở mức 1,27x và ROE ước đạt 17%. Lợi nhuận 2023 - 2024 ước tính đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ và 28,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm