Thời sự

Mây đen bao phủ nền kinh tế Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có khả quan?

Xe chở sầu riêng xuất sang Trung Quốc đi qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Báo Lào Cai).

Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy vào năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước, trong khi nhập khẩu cả năm đạt 358,9 tỷ USD, cao hơn 7,8% so với năm 2021.

Qua đó, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng hoá khoảng 12,4 tỷ USD, duy trì trạng thái xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp.

* chỉ tính thị trường Trung Quốc đại lục

Trong khi Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức thặng dư 94,9 tỷ USD, thì Trung Quốc - nền kinh tế số hai - là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc tăng 5,5% lên 175,6 tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2021 và chiếm 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,9 tỷ USD, cao hơn năm trước 6,6% và chiếm tỷ trọng 32,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung cả năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 60,2 tỷ USD.

 

Xu hướng trên tiếp tục trong nửa đầu năm 2023 khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch khoảng 50,1 tỷ USD.

Trung Quốc nhập khẩu gì từ Việt Nam?

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở 5 nhóm hàng, gồm cao su, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, điện thoại và linh kiện, và xơ sợi dệt.

Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,6 triệu tấn cao su từ Việt Nam với giá trị gần 2,4 tỷ USD - chiếm tỷ trọng 72,7% trong kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.

Tương tự, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của nước ta với giá trị nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD - giảm 19,8% so với năm trước nhưng chiếm đến 45,4% kim ngạch và bỏ xa hai thị trường xếp sau là Mỹ và Hàn Quốc.

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn năm 2022 đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng lần lượt là 91,7% về lượng và 91,5% về giá trị.

Điện thoại và linh kiện là một mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam, mang về gần 58 tỷ USD trong năm 2022.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất với kim ngạch đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2021 và chiếm 28% tổng kim ngạch của mặt hàng. Xếp sau là thị trường Mỹ và EU.

Xơ sợi dệt của Việt Nam cũng được quan tâm tại thị trường Trung Quốc. Năm 2022, nước ta xuất khẩu 4,7 tỷ USD xơ sợi dệt. Riêng kim ngạch sang Trung Quốc đã chiếm tỷ trọng gần 46,3%, với giá trị khoảng 2,2 tỷ USD.

 

Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam ở hơn 10 mặt hàng khác.

Danh sách này gồm gạo (thứ 2); chè (3); hạt điều (2); thuỷ sản (2); máy vi tính và linh kiện (2); may mặc (7); giày dép (2); túi xách, mũ, vali, ô dù (6); nguyên liệu nhựa (2); máy móc, thiết bị (3); gỗ và sản phẩm gỗ (3); than; và dầu thô (4).

Riêng ở mặt hàng than, Trung Quốc không nằm trong số những khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Song, đây lại là thị trường tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng lần lượt là 3.205% về lượng và 3.689% về giá trị so với năm 2021.

 

Mặt khác, như đã nói ở trên, ngoài là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, Trung Quốc còn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch bỏ xa các đối tác khác.

Nhà cung ứng nguyên liệu thô của Việt Nam

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta ở 8 nhóm hàng, gồm rau quả; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; vải nguyên liệu; xơ sợi dệt; sản phẩm từ nhựa; thép; máy tính và linh kiện; máy móc và thiết bị.

Năm ngoái, nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,08 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch đạt 858,2 triệu USD. Các nhà cung ứng xếp sau là Mỹ và Australia, với kim ngạch lần lượt là 356,3 và 158,2 triệu USD.

 

Tương tự, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da dày từ Trung Quốc cũng chiếm tỷ trọng cao nhất là 50,6% với kim ngạch đạt 3,37 tỷ USD.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu vải nguyên liệu từ Trung Quốc chỉ tăng nhẹ so với năm 2021 nhưng vẫn giúp đất nước tỷ dân giữ vững vị thế nhà cung ứng lớn nhất của Việt Nam.

Nhập khẩu xơ sợi dệt năm 2022 đạt 2,55 tỷ USD, giảm 0,24% so với năm 2021. Riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 59,3% - cao gấp 4,5 lần so với thị trường thứ hai là Đài Loan.

Ngoài ra, Việt Nam đã nhập 4,4 tỷ USD sản phẩm nhựa từ Trung Quốc, tăng 9,3% so với năm 2021 và chiếm 54,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Hai thị trường xếp phía sau là Hàn Quốc (gần 1,5 tỷ USD) và Nhật Bản (802 triệu USD).

Nhập khẩu thép, máy tính và linh kiện điện tử, cùng máy móc và thiết bị đạt kim ngạch lần lượt là 11,9 tỷ USD, 81,9 tỷ USD và 45,2 tỷ USD. Là thị trường cung ứng lớn nhất, Trung Quốc lần lượt chiếm tỷ trọng 41,1%, 29,4% và 53,7%.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nằm trong danh sách top 5 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ở các mặt hàng nguyên liệu nhựa (thứ 2), điện thoại và linh kiện (2), than (4) và xăng dầu (5).

 

Mây đen che mờ triển vọng kinh tế

Do Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng ở cả hai chiều, bất kỳ biến động nào ở nền kinh tế này đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cỗ máy xuất khẩu của Việt Nam.

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc bị bủa vây bởi đại dịch COVID-19. GDP chỉ tăng 3% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là 5,5%.

Đến cuối tháng 12, Bắc Kinh chính thức loại bỏ chính sách Zero COVID. Giới chuyên gia kỳ vọng người tiêu dùng sẽ sớm chi tiêu trở lại, nhà máy sẽ sớm vào guồng sản xuất và Trung Quốc sẽ lại lần nữa là động cơ cho tăng trưởng toàn cầu.

 

Chính phủ đã hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2023 xuống “khoảng 5%”, một mức khá khiêm tốn. Những tưởng nền kinh tế Trung Quốc sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu đó. Song, thực tế lại trái ngược khi đà phục hồi dần yếu đi.

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP quý II của nước này tăng 6,3% so với cùng kỳ, thấp hơn ước tính 7,3% của các nhà kinh tế mà Reuters khảo sát.

Cùng lúc, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 lại vọt lên 21,3% vào tháng 6, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tốc độ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng cũng chững lại. Doanh số bán lẻ tháng 6 chỉ đi lên 3,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 12,7% ghi nhận vào tháng 5.

Đầu tư tư nhân sụt 0,2% trong 6 tháng đầu năm, trong khi chi phí vốn (capex) chậm lại trên nhiều lĩnh vực.

 

Rắc rối chủ yếu nằm ở việc cả bất động sản và xuất khẩu - hai động cơ tăng trưởng chính của Trung Quốc - đều đang suy yếu.

Ba năm trước, lo sợ bong bóng trên thị trường nhà đất, Bắc Kinh đã bắt đầu siết chặt các chính sách trong ngành này. Vấn đề là động thái của chính phủ diễn ra mạnh tay và nhanh hơn so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Hậu quả là từ năm 2021, giá nhà tại nhiều nơi sụt mạnh. Sang đầu năm nay, giá nhà mới có thời điểm đã phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, vào tháng 6, giá lại sụt 0,06% so với tháng liền trước. Trên thị trường thứ cấp, giá nhà giảm 0,44%, theo NBS.

Trong nửa đầu năm 2023, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sụt 7,9% so với cùng kỳ. Doanh số bán bất động sản thương mại tính theo diện tích sàn giảm 5,3%.

 

Nhu cầu của các nền kinh tế lớn ở phương Tây chững lại cũng đã tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Báo cáo mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD của nước này đã giảm 14,5% so với cùng kỳ vào tháng 7 - tồi tệ hơn con số 12,5% mà các nhà kinh tế do Reuters khảo sát đưa ra.

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã lao dốc 23,1% so với cùng kỳ, trong khi sang EU giảm 20,6%. Xuất khẩu sang ASEAN sụt 21,4%.

 

Người dân Trung Quốc đã chuyển sang tiết kiệm thay vì chi tiêu. Kinh tế trưởng Albert Park của ADB nhận xét: “Sự thận trọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc là một lực cản khiến quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp”.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã rơi vào tình trạng giảm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 sụt 0,3% so với một năm trước và chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 10 tháng liên tiếp.

 

Có lẽ Bắc Kinh hiểu rõ rủi ro đối với triển vọng kinh tế hiện nay lớn như thế nào và quả thực họ đã cam kết sẽ bơm kích thích.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách chỉ mới thực hiện một vài bước đi nhỏ để hỗ trợ thị trường bất động sản hoặc điều chỉnh lãi suất vài điểm cơ bản.

Quy mô kích thích tài khoá của Trung Quốc trong và sau COVID chỉ bằng 1/3 của Mỹ và Bắc Kinh cũng không phát tiền mặt trực tiếp cho dân hay đổ tiền vào các ngành nghề chủ chốt như bán dẫn,...

Trên thực tế, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang rơi vào thế khó, không thể mạnh tay tung ra kích thích tài khoá hoặc tiền tệ.

Cách đây 15 năm, khi tăng trưởng chậm lại vì khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã cho phép chính quyền các địa phương vay nợ để xây dựng thêm đường xá, cầu cảng,... nhằm tạo thêm việc làm và sản lượng kinh tế.  

Kết quả là, khối nợ của Trung Quốc đã phình to một cách đáng ngại. Tổng khối nợ - bao gồm cả khu vực hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ - đã bằng 281,5% GDP quý II, Bloomberg ước tính. Tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển là 256% và ở Mỹ là 257% GDP.

 

Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch “giảm đòn bẩy” từ năm 2017 để kiềm chế tình trạng vay nợ trong nước. Không dễ gì để chính phủ cho phép khối nợ phình to trở lại.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng mà không nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức vì e ngại dòng vốn sẽ tháo chạy sang các nền kinh tế phương Tây, trong bối cảnh Fed cùng các ngân hàng trung ương lớn đang tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát.

Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 7,2 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc trong tháng 5, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp dòng vốn chảy ra ngoài.

Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, Washington và đồng minh đã ban hành một loạt chính sách nhằm ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến cũng như thiết bị và nhân tài cần thiết để phát triển những ngành công nghệ cao.

Bên cạnh xe điện hay điện thoại thông minh, chất bán dẫn hiện đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy các công nghệ mới như AI hay phát triển các vũ khí hiện đại như tên lửa siêu thanh và máy bay chiến đấu.

Nhìn chung, trái với kỳ vọng ban đầu, triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng tồi tệ đi. Thậm chí, nỗi lo lớn hơn của giới chuyên gia là Trung Quốc đang có những biểu hiện tương tự Nhật Bản trong “thập kỷ mất mát”: dân số già hoá, tăng trưởng chững lại và lạm phát thấp.

Ở giai đoạn đáng quên đó, Nhật Bản chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 1,2% mỗi năm. Chính phủ phải mất hàng chục năm liền để kích cầu và thúc đẩy lạm phát đi lên lần nữa.

Do đó, trong bối cảnh triển vọng của Trung Quốc kém tươi sáng hơn trước, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu của Việt Nam cần thận trọng, nên tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới, kiểm soát tồn kho tránh thừa mứa và chủ động nguồn cung ứng hàng hoá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm