Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để hỗ trợ nền kinh tế, chính sách tài khoá được kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh để kích thích nền kinh tế. Hiện nay, chính sách tiền tệ gần như đã hết dư địa để nới lỏng sau 4 lần giảm lãi suất liên tục trong năm 2023, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức thấp do doanh nghiệp gặp khó khăn làm giảm nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng.
Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với mức tăng 20% của năm 2022; thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước.
Vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%).
Trong bối cảnh động lực từ vốn đầu tư tư nhân và khu vực ngoài nhà nước còn yếu, nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy mạnh hơn nữa vốn từ đầu tư công.
Chi tiêu của Chính phủ vẫn thấp hơn ngưỡng giới hạn
Bàn luận về các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, các chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ phải kết hợp rất chặt chẽ với chính sách tài khoá.
"Khi chính sách tài khoá hiệu quả thì sẽ tạo ra sự sôi động trên nền kinh tế thực, trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó tạo ra nhu cầu về đầu tư, tín dụng của doanh nghiệp. Khi đó tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh hơn thay vì chỉ tập trung hạ lãi suất với hy vọng khi lãi suất giảm thì tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng lên", ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam phân tích.
Theo chuyên gia, những năm vừa qua, tính toán lại tỷ lệ bội chi ngân sách từ năm 2019 đến nay cho thấy thâm hụt ngân sách gia tăng dù nợ công vẫn trong tầm kiểm soát. Rõ ràng, dư địa chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng còn dư địa nhưng không quá lớn.
Đánh giá về dư địa thực hiện chính sách tài khoá PGS. TS Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính cho rằng cần xác định ba vấn đề trong chi tiêu công: Mức độ chi tiêu Chính phủ như thế nào là phù hợp; Đầu tư công bao nhiêu cho phù hợp và làm thế nào để vừa chi tiêu Chính phủ, vừa thu hút được đầu tư tư nhân.
Ông cho biết, chi chính phủ phụ thuộc vào trình độ phát triển của các quốc gia. Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, chi tiêu của Chính phủ sẽ vào khoảng 26 - 28% GDP, các quốc gia phát triển, tỷ lệ chi sẽ cao hơn. Với Việt Nam, chi tiêu của Chính phủ vẫn thấp hơn mức này nên vẫn còn dư địa để chi cho các gói hỗ trợ và đầu tư công.
Chuyên gia đánh giá sự tích cực là khoảng 4 năm gần đây đầu tư công tăng lên, trước đây đầu tư công chỉ khoảng 27%, hiện nay đã xấp xỉ 30% hoặc hơn 30% một chút trong tổng chi tiêu chính phủ của Việt Nam.
Cần chính sách ưu đãi dài hơi hơn
Theo các chuyên gia, ngoài chi cho đầu tư công, các chính sách hỗ trợ khác vẫn còn khá thấp, kém hiệu quả và "nhỏ giọt".
Theo TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chính sách hỗ trợ, nhất là liên quan đến thuế phí nên thực hiện dài hạn hơn. Đơn cử như chính sách thuế VAT, nên thực hiện chính sách gia hạn giảm 2% VAT đến hết năm 2025 và công bố ngay trong kỳ họp lần này.
"Thời gian vừa qua, chúng ta như thực hiện chính sách 'ăn đong', tức nửa năm hoặc một năm thay đổi chính sách một lần. Để tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp cần có những chính sách dài hơi hơn chứ thời hạn của chính sách chỉ có 6 tháng thì tác động còn khá hạn chế", ông Đức Anh nhìn nhận.
Theo chuyên gia chỉ khi thực hiện chính sách dài hạn, doanh nghiệp mới có thể dựa vào đó để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh chứ nếu chỉ kéo dài đến hết năm 2024, doanh nghiệp sẽ không kịp điều chỉnh và tận dụng chính sách này.
Bên cạnh đó, trong khi chờ sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân vào năm 2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nên ban hành Nghị quyết để nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
PGS TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân cũng đề xuất Chính phủ có thể xem xét tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khoá nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm.
Cần tích cực và chủ động sử dụng chính sách tài khoá trong kích thích tăng trưởng nhằm đối phó với những vấn đề của suy giảm tăng trưởng. Cụ thể, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả và có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp và để kích cầu.
Theo ông, trong những năm vừa qua, tính toán lại tỷ lệ bội chi ngân sách từ năm 2019 đến nay cho thấy thâm hụt ngân sách gia tăng dù nợ công vẫn trong tầm kiểm soát. Rõ ràng, dư địa chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng còn dư địa nhưng không quá lớn.
Dù vậy, chuyên gia cũng khuyến nghị dư địa để kích thích kinh tế không còn quá lớn. Quy mô của thu ngân sách/GDP đang thu hẹp nhưng vừa muốn nới lỏng chi tiêu vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì có thể làm gia tăng rủi ro vay nợ.